Phường Nguyễn Trãi được xem là "thủ phủ" trồng hoa của TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Địa phương này hiện có có hơn 50 hộ dân trồng hoa với tổng diện tích khoảng 5 ha, chủ yếu là hoa cúc.
Ghi nhận của PV vào những ngày qua, không khí làm việc tại các vườn hoa cúc ở phường Nguyễn Trãi luôn nhộn nhịp, đông vui hơn bao giờ hết. Trong mỗi khu vườn luôn có hàng chục lao động đang làm công việc ngắt nụ hoa cúc, lặt lá.
Theo chủ vườn hoa cúc, hằng năm cứ vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch, các nhà vườn đã bắt đầu thuê người ngắt nụ, lặt lá. Mục đích của việc này là để cây tập trung dưỡng chất cho hoa đạt chất lượng, người trồng chỉ để lại một nụ to nhất trên cành, những nụ còn lại được nhặt bỏ. Từ đó, hoa cúc sẽ nở đồng đều và đẹp hơn vào dịp Tết nguyên đán.
Theo ông Lê Tấn Sinh (chủ vườn hoa cúc ở Tổ 1, phường Nguyễn Trãi), mỗi năm, gia đình đều thuê tầm 10-15 người làm công việc ngắt nụ hoa, lặt lá với mức thù lao từ 180 – 200 ngàn đồng/ngày.
Vườn ông Sinh chủ yếu thuê lao động là phụ nữ, vì công việc cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Ngoài lao động tại chỗ ra thì còn có một số lao động ngoại tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi.
Còn chị My Thư (chủ vườn hoa ở tổ 3, phường Nguyễn Trãi) cho hay, công việc ngắt nụ hoa không khó mà thu nhập lại cao. Chính vì vậy, mỗi năm vườn của chị thu hút rất đông người tới xin việc. Hiện nay, chị đang 2 lao động đên từ Bình Định để làm việc từ đầu tháng 12 âm lịch cho đến nay.
Đang tỉ mỉ ngắt từng nụ hoa cúc, chị Võ Thị Sư (quê ở tỉnh Bình Định) chia sẻ, trước Tết khoảng chừng 1 tháng thì chị lại bắt xe đò lên Kon Tum để làm công việc này. Việc ngắt nụ, lặt lá kéo dài khoảng 5-7 ngày. Sau khi xong việc ở vườn hoa này thì chị sẽ di chuyển sang vườn khác.
"Ở quê, tôi chủ yếu làm công việc nội trợ. Vì muốn kiếm thêm thu nhập để lo cho Tết nên năm nào tôi cũng lên Kon Tum để làm. Công việc này không đòi hỏi kỹ thuật nhiều mà người làm phải cẩn thận để không làm gãy nụ hoa. Công việc của tôi bắt đầu từ sáng đến chiều tối. Thu nhập một ngày khoảng 180 ngàn đồng ", chị Sinh nói.
Còn chị Lê Thị Đính (quê ở tỉnh Phú Yên) chia sẻ: "Nghề này không có áp lực hay nặng nhọc gì cả. Tuy nhiên, người làm phải hết sức tỉ mỉ trong từng động tác và phải có kinh nghiệm thì mới làm được nhanh, không ảnh hưởng đến chất lượng chậu hoa bán ra thị trường. Thu nhập từ nghề này cũng giúp tôi kiếm thêm chút nguồn thu nhập mỗi năm, góp cho cái Tết thêm đủ đầy".