Nắm bắt được xu thế hoài cổ, hướng nội của khách hàng, các quán cà phê phục dựng lại mô hình cà phê không gian cổ xưa nở rộ tại TP.HCM. Không chỉ thu hút sự hiếu kỳ của các bạn trẻ, đây còn là điểm đến ưa thích của những thế hệ 7X, 8X khi muốn níu giữ một chút tuổi thơ đã qua của mình.
Rinh đồ cổ từ nước ngoài để… trang trí quán cà phê
Điển hình, quán cà phê mang phong cách miền Tây thời xưa tại quận 3, TP.HCM là điểm đến của nhiều bạn trẻ tại TP.HCM. Anh Kiệt, chủ quán cà phê, cho biết anh xuất thân là một người con của miền Tây. Vừa tốt nghiệp trường Đại học kiến trúc TP.HCM, thay vì làm đúng chuyên ngành Kiến trúc công trình, năm 2015, anh chuyển sang kinh doanh.
Sau 2 tháng lên ý tưởng thiết kế, anh Kiệt bắt đầu xây dựng quán và đến tháng 12/2015, quán cà phê mang đậm phong cách miền Tây được phục dựng giữa lòng Sài Gòn, với cái tên bắt nguồn từ một trò chơi quen thuộc đậm chất miền Tây là “Năm mười”, hay còn gọi là trốn tìm.
|
Một góc nhà kho dưới quê được anh Kiệt trưng dụng lên trang trí quán cà phê. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Để thiết kế mô hình quán này, anh Kiệt cho hay tất cả đồ vật trong quán từ cái ly, chén, muỗng đến lớn hơn là máy xay lúa… đều được anh thu thập từ nhà nội, ngoại, hàng xóm.
“Mình bê nguyên miếng vách nhà kho của ông nội ở dưới quê lên để ở không gian phía trên lầu, và hầu như không thay đổi cách bày trí. Mình muốn níu giữ một chút gì đó tuổi thơ, giúp các bạn trẻ tại Sài Gòn hiểu hơn về lối sống, phong tục của người miền Tây”, Kiệt cho biết.
Ước tính chi phí đầu tư quán ban đầu chỉ 700 triệu đồng, nhưng sau khi hoàn thành, nhiều khoản phát sinh khiến vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ đồng. Kiệt cho biết chi phí đầu tư khá đắt do địa điểm quán nằm ở trung tâm, mặt bằng thuê để thiết kế quán phù hợp bày những hiện vật xưa cũng khá lớn.
Cũng kinh doanh cà phê nhưng chị Trâm (quận 3, TP.HCM) lại chọn phong cách phương Tây cổ xưa cho quán. Quán được thiết kế như một góc của bang Texas cũ, với các vật dụng được chị Trâm lên ý tưởng và sưu tầm. Dù theo xu hướng cổ điển, nhưng lại có hơi hướng phóng khoáng và độc lạ từ những cái máy nhạc cho đến bàn ghế. Đồng hồ, gương, máy ảnh, máy phát đĩa… được chị săn lùng từ trong và ngoài nước.
|
Chiếc máy phát nhạc bằng đĩa than tại quán cà phê của chị Trâm. Ảnh: Thái Nguyễn. |
“Tôi thích du lịch và sưu tầm đồ cổ. Chính vì phong cách sống phóng khoáng của những người mê du lịch hay còn gọi là Tây balo nên tôi quyết định tạo nên quán cà phê này để đáp ứng nhu cầu của khách”, chị Trâm chia sẻ.
Giá các đồ cũ trong quán cũng có nhiều mức giá, trung bình từ 1 triệu đến 7, 8 triệu đồng. Chỉ tay về chiếc máy phát nhạc bằng đĩa than, chủ quán cho biết chị phải đặt từ Thái Lan với giá 5 triệu đồng.
Điều đặc biệt nhất của quán là bàn ghế được biến tấu từ các loại vali bọc da cũ, nhìn lạ mắt và cá tính. Mỗi chiếc vali này có giá 1-2 triệu đồng.
“Nhìn quán vậy thôi chứ đầu tư đồ cổ đã 500-600 triệu đồng. Mặc dù đầu tư nhiều nhưng đồ uống trong quán mình lấy giá khá bình dân, chỉ 20.000-35.000 đồng một món. Quán chủ yếu để các bạn có đam mê như mình gặp gỡ và trò chuyện. Vì thế, quán rất nhiều người quen và người bạn trong các nhóm yêu đồ cổ”, chị Trâm nói thêm.
Khó săn đồ cổ xịn
Dạo quanh khu chợ bán đồ cổ lớn nhất tại quận Tân Bình, khu chợ Vĩnh Viễn, nhiều người bán đang chào hàng với các mặt hàng quen thuộc như bi đông nước, tivi cũ hay các vật dụng từ thời chiến với đủ mức giá.
Vừa giới thiệu một loại túi được sản xuất từ thời Liên Xô, anh Được, chủ một cửa hàng bán đồ cổ, cho biết túi này có tuổi hơn 50 năm rồi tuy nhiên nhìn không cũ lắm.
"Khi mua lại của một ông cụ tại quận 3, ổng nói túi này được ổng giữ kĩ vì là phần thưởng cao quý của sinh viên Việt Nam giỏi thời chiến”, anh nói thêm.
Cũng theo anh Được, loại túi này có cả 2 mặt hàng đó là hàng mới, được may lại cho giống hàng cũ và một loại túi xưa, với giá khá đắt đỏ, gần triệu đồng một chiếc. Tuy vậy, nhiều khách hàng lại sẵn sàng chi tiền để mua loại túi cũ này chứ ít người mua mới.
|
Một khu chợ có một không hai tại Sài Gòn chuyên bán đồ cổ, chỉ họp duy nhất sáng chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Thái Nguyễn |
Nói thêm về nghề buôn đồ cổ, ông Được cho biết hầu hết tại các chợ hiện nay đều bán đồ giả cổ là chủ yếu. Đồ cổ thật ít hàng vì khó “săn” được. Còn loại được mua nhiều nhất là hàng có tuổi từ 30, 40 năm trở lại hay còn gọi là hàng thời chiến, bát đĩa hay bàn ghế, tủ cũ xưa. Khách chuộng hàng này vì giá “mềm”, dễ mua.
Các hàng đồ cổ chủ yếu được mua lại từ các khách muốn bán, hoặc từ các cửa hàng thanh lý, người quen. Đôi lúc, anh còn phải cử người sang Campuchia, Lào…để săn đồ cổ. Đồ tuổi càng cao, càng cũ thì giá càng khủng. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng mua được hàng độc, lạ.
“Trúng mánh lắm mới săn được 1, 2 món, mà giá bán ra cũng thỏa công mình đi, tầm 10 triệu, thậm chí 100 triệu”, anh nói.
Gần đây, nhiều bạn trẻ đi săn các mặt hàng này để trang trí cho các không gian như quán cà phê, không gian riêng… nên anh bán được khá nhiều hàng. Chủ yếu các bạn mua các mặt hàng giả cổ để tiết kiệm chi phí. Với một quán có diện tích 30-40m2, tiền trang trí đồ cổ tầm 400 triệu đồng đổ lại.
Cũng là một đầu mối thường được các bạn trẻ tìm đến để mua đồ cổ, chị Thúy, chủ một cửa hàng bán đồ giả cổ tại quận 3, cho biết mỗi tháng chị bán ra không nhiều hàng nhưng thường là số lượng lớn.
Với đồ giả cổ, chị Thúy chủ yếu đặt hàng từ Quảng Châu, Trung Quốc. Các mặt hàng này thường là các mô hình hoặc các loại…vỏ đồ vật có chi tiết giả cổ.
Các mặt hàng giả cổ được ưa chuộng đó là đồng hồ quả lắc, thùng thư, vỏ máy ảnh, máy quay, vỏ cát xét… Giá cũng khá chênh lệch, kích thước càng lớn thì giá càng cao, từ 1 triệu đến 10 triệu đồng đổ lại.
Riêng mặt hàng đồ cổ chính gốc như tivi núm xoay, máy ảnh chạy film, đồng hồ, máy chạy đĩa than…thì buộc phải sang Thái Lan để mua. Các loại đồ cổ này khi mua về hầu hết đều không còn sử dụng được, dù vậy giá cũng không phải rẻ.
“Với một chiếc máy chạy đĩa than có khi lên tới hàng chục triệu đồng. Tivi cũ thì giá chỉ vài ba triệu nhưng nếu chỉ thêm núm xoay thì lên đến 10 triệu chiếc”, chị Thúy nói thêm.
Săn hàng cổ khó nhưng bán lại được giá nên chị thường nhận đặt hàng từ khách rồi sang Thái Lan, Ấn Độ để lùng mua. Giá hàng cổ độc có khi lên đến mấy trăm triệu.
Theo chị, giá trị của các mặt hàng cổ thể hiện qua năm tuổi. Thế nhưng chỉ có người bán hoặc người mua hàng từ nguồn mới biết thực hư độ tuổi và giá trị thật của hàng.
“Mua đồ cổ sợ nhất là bị hét giá. Nhiều lúc qua Thái mua bị chặt chém, mua nhầm đồ… cũ chứ không phải đồ cổ. Thế nên cần cẩn trọng vì giá của người bán…rất tùy hứng. Bên cạnh đó, khi mua đồ cổ cũng cần cẩn trọng vì vấn đề…tâm linh. Khi sang Thái, chị đã được nghe nhiều câu chuyện khi mua hàng, do đó không phải ai cũng dám chơi đồ cổ”, chị Thúy nói thêm.