Sáng 7/6, Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) chính thức giới thiệu thương hiệu Chuk Chuk trực thuộc Công ty CP Đầu tư Thương mại TTV (một thành viên của KDC). Bà Trần Tuyết Vân, một trong ba người con của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của TTV.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống của hàng bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô trong tương lai.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, thương hiệu kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát này đã được chuẩn bị từ cách đây hơn một năm, nhằm phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm cao cấp hơn những sản phẩm kem và đồ uống mà Kido đang sản xuất.
|
Mô hình cửa hàng Chuk Chuk. Ảnh: KDC.
|
Chuỗi Chuk Chuk sẽ hoạt động với 3 mô hình, gồm cửa hàng outlet rộng 100-120 m2, số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, tọa lạc ở những trục đường chính và trung tâm thương mại; kiot rộng 20 m2 có vốn đầu tư dưới 200 triệu đồng và xe đẩy chỉ khoảng 3 m2 đặt tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp...
Lãnh đạo Kido cho biết năm 2021 là năm then chốt để chuỗi tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, kiot và xe đẩy bao phủ khu vực TP.HCM với mục tiêu 58 cửa hàng đến cuối năm. Trong đó, cửa hàng đầu tiên sẽ xuất hiện từ tháng 6, còn hệ thống kiot và xe đẩy dự kiến có mặt vào tháng 7.
Mặc dù mới ra mắt nhưng con số cửa hàng mục tiêu của Chuk Chuk đã tiệm cận với số điểm bán của các thương hiệu lớn đã có mặt từ nhiều năm qua, như Starbucks (70), Trung Nguyên Legend (77), Phúc Long (82)...
"Thời gian qua, các vị trí mặt bằng đắc địa đã bị bỏ trống, đây là cơ hội cho Chuk Chuk tiếp cận. Nếu trước đây để có một mặt bằng đẹp ở quận 1, TP.HCM thì phải đầu tư khoảng 15.000 USD/tháng, thì đến nay chúng tôi đã kí được mười mấy điểm vị trí rất đẹp nhưng giá thuê chỉ phân nửa", ông Trần Lệ Nguyên cho biết.
Nếu đến tháng 9 dịch bệnh được kiểm soát tốt, hệ thống sẽ mở rộng điểm bán ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Doanh thu dự kiến trong năm nay là 141 tỷ đồng.
"Chúng tôi tự tin trong năm đầu tiên phải có lãi, chứ không phải cần đến 3-5 năm", ông Trần Lệ Nguyên khẳng định với Zing.
Ông phân tích, các sản phẩm bán tại Chuk Chuk đều do Kido sản xuất với sản lượng lớn, không như nhiều đơn vị phải nhập khẩu từ nước ngoài hay gặp khó về kiểm soát chất lượng. Vì thế, giá thành sản phẩm hợp lý mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận. Đơn giá kem tươi, cà phê tại chuỗi cửa hàng từ 29.000 đồng, trà và trà sữa sẽ từ 39.000 đồng.
Đồng thời, hệ thống logistics của tập đoàn đã phủ khắp cả nước nên chi phí vận hành của chuỗi thấp hơn các thương hiệu khác. Ông cũng cho rằng chuỗi này có lợi thế lớn về sự đa dạng sản phẩm, giúp các gia đình hiện đại với nhiều thế hệ thành viên đều có thể đáp ứng nhu cầu.
Trong vòng 2-3 năm tới, hệ thống Chuk Chuk sẽ có mặt tại Hà Nội, các thành phố trực thuộc trung ương và trọng điểm du lịch. Song song đó, thương hiệu sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển sang các nước châu Á, đặc biệt khu vực ASEAN, thông qua hình thức nhượng quyền. Doanh thu dự kiến năm 2023 là hơn 1.200 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đến năm 2025, thương hiệu này sẽ đạt con số 1.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh, TP, đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng và trở thành thương hiệu quốc gia dẫn đầu thị trường F&B về độ phủ và độ yêu thích của khách hàng.
Ngành F&B Việt Nam được BMI dự báo tăng trưởng 11,6% trong giai đoạn 2018-2021, đạt giá trị 40 tỷ USD năm 2021. Tốc độ tăng trưởng này tương đương với ngành đồ uống có cồn và thuốc lá (11,7%) và cao hơn ngành sữa (9%).
Mới đây, Masan cũng gia nhập thị trường F&B thông qua thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty CP Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam. Thương vụ có giá trị 15 triệu USD, tương đương với mức định giá Phúc Long khoảng 75 triệu USD.