Tham dự chương trình Lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 tối 5/6, Doanh nhân Cựu Chiến binh Anh hùng Lao động (AHLĐ) Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã trao tặng Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 số tiền 500 tỷ đồng.
|
Doanh nhân, AHLĐ Lê Văn Kiểm (bên trái) trao tặng 500 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19. Ảnh: Báo tài nguyên & môi trường |
Doanh nhân Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống yêu nước trên quê hương Thừa Thiên Huế. Ông cùng vợ là bà Trần Cẩm Nhung (sinh năm 1946) nổi tiếng trên thương trường với khả năng kinh doanh tài ba.
Chưa đầy 1 tuổi ông đã theo cha mẹ lên chiến khu sống trong đơn vị bộ đội. Năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ. Đến năm 1973, ông được chuyển sang ngành giao thông và ông tình nguyện xin về công tác tại chiến trường B2 và công tác tại Ban Giao thông Trung ương cục miền Nam đóng tại Tây Ninh.
Doanh nhân thế hệ đầu tiên tại Việt Nam
Sau ngày 30/4/1975, ông Kiểm được tham gia tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền chế độ cũ và công tác tại Ủy Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn Gia Định.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Trong quá trình làm việc đó, ông đã có cơ hội học và xử lý công việc của các người chủ công ty tư nhân. Từ đó, ông đã muốn làm thử kinh doanh theo mô hình kinh tế tư nhân.
|
Doanh nhân Lê Văn Kiểm. Ảnh: Internet |
Cho tới cuối thập niên 1970, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông quyết định làm thức ăn gia súc để cung ứng cho thị trường. Đó là năm 1978, đánh dầu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên. Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc.
Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận.
Một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn.
Việc kinh doanh thuận lợi khiến đại gia Lê Văn Kiểm có thời điểm tích lũy được tới cả nghìn cây vàng.
Sau đó, Vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.
Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng. Ông xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.
Vào khoảng năm 1984 – 1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một công ty tư nhân đầu tiên. Công ty may Huy Hoàng đã được đánh giá là công ty tư nhân may mặc lớn nhất tại Việt Nam thời gian ấy. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng những năm 1997 đã khiến công ty có những lúc đã đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Ông chủ sân Golf Long Thành và những dự án bất động sản “khủng”
Năm 2001, ông Lê Văn Kiểm quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Hiện nay, sân Golf thu hút hơn 800 lao động, 30% CBCNV trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội tại địa phương, thu nhập bình quân của CBCNV trên 2.000.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, doanh nhân Lê Văn Kiểm còn mở thêm lĩnh vực du lịch bằng việc đầu tư vào khu du lịch thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Gia đình ông Lê Văn Kiểm còn đầu tư lớn tại Lào với dự án sân golf và khách sạn Vientiane.
Tháng 7/2019, Công ty TNHH KN Cam Ranh (một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) cũng đề xuất đầu tư dự án KN Paradise có casino hơn 2 tỷ USD tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
KN Paradise Cam Ranh được giới thiệu là quần thể khu nghỉ dưỡng 5 sao, bao gồm các chức năng khách sạn 4 và 5 sao, câu lạc bộ golf, khu dịch vụ somerset, căn hộ, villa, nhà phố biển, công viên giải trí.
Theo Forbes Việt Nam, gia đình ông Lê Văn Kiểm có khoảng 10 công ty, sở hữu nhiều dự án bất động sản rải rác ở quận 2 (TP.HCM), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt…tổng diện tích đất hơn 2.000ha.
Bên cạnh đó, ông Kiểm còn đầu tư Sân Golf 36 Hố Tại Viêng Chăn – Lào.
|
Doanh nhân Lê Văn Kiểm và vợ là Anh hùng lao động Trần Cẩm Nhung. Ảnh: Internet |
Những trầm lắng trong sự nghiệp kinh doanh có lẽ là một phần lý do khiến ông Kiểm và bà Nhung tập trung nhiều thời gian và tiền bạc vào công việc từ thiện và xã hội. Ông bà bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập niên 1990, những hoạt động từ thiện được chú trọng nhiều hơn sau thời điểm đã vượt khó khăn. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp bằng nhiều hình thức đã lên đến 400 tỷ đồng, theo thống kê của công ty. Năm 2008, ông kiểm được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm và phu nhân là Anh hùng lao động Trần Cẩm Nhung cũng đã ủng hộ hơn 20 tỷ đồng công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam cho Bộ đội Biên phòng và các đơn vị trong tuyến đầu chống dịch.
Ngày 20/3/2020, đại diện công ty Golf Long Thành đã thay mặt vợ chồng Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm (Chủ tịch Công ty), Trần Cẩm Nhung (Phó Chủ tịch Công ty) trao số tiền 20 tỷ đồng.
Trong đó, 10 tỷ đồng của bà Trần Cẩm Nhung ủng hộ chương trình phòng chống dịch Covid-19 của Chính Phủ; 10 tỷ đồng của cựu chiến binh Lê Văn Kiểm ủng hộ chương trình phòng chống xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Được biết, tổng số tiền mà ông Lê Văn Kiểm và vợ là bà Trần Cẩm Nhung dành cho các chương trình từ thiện xã hội, đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa tính đến nay đã lên đến trên 1.300 tỷ đồng.