Hé lộ tình trạng 6 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ

Google News

Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành Công Thương tiếp tục phải có hành động, thay đổi, có cách tiếp cận mới. 
Nhìn lại 2 năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong phát triển công nghiệp và thương mại.
Bản thân Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triển khai chương trình hành động của Bộ Công Thương giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện quyết liệt Nghị quyết.
Với sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (năm 2016 tăng 11,2% và đặc biệt năm 2017 tăng tới 14,5%), sản xuất công nghiệp nói chung vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với chỉ số toàn ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp, cho thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực.
Tiếp nối thành công của năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 10,5%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2017 (7%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 12,7%.
Hé lộ tình trạng 6 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ
Việc trung xử lý, giải quyết các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, bước đầu đạt kết quả tích cực ở một số dự án, các dự án khác đều có lộ trình và phương án xử lý cụ thể. Bộ Công Thương đã bám sát thực tiễn, kịp thời chỉ đạo cụ thể một số lĩnh vực, giải quyết một số vấn đề nhân dân và xã hội quan tâm và đạt được hiệu quả.
Cụ thể, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án thua lỗ, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
 Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định.
Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung), 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS).
Các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đảm bảo duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.
Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế
Nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo Ban Cán sự Đảng đang tập trung dồn lực là chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất. Theo đó, năm 2016, Bộ Công Thương hoàn thành việc CPH và chuyển 3 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời hoàn thành công tác bán cổ phần lần đầu đối với 2 Tổng công ty (TCT Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam VEAM và TCT Máy và Thiết bị công nghiệp MIE).
 Hoạt động bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã được Bộ Công Thương triển khai.
Năm 2017, Bộ tiếp tục xây dựng và thực hiện phương án CPH và thoái vốn đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) ...
Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII đến nay, Bộ Công Thương là một trong những bộ quyết liệt nhất trong hoàn thiện các hành lang pháp lý với số lượng văn bản pháp luật được xây dựng, hoàn thiện rất cao so với nhiều bộ ngành khác.
Năm 2016, 2017 là 2 năm trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương. Bộ đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 110 văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Trong đó nhiều văn bản đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển.
Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 49 văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành Công Thương tiếp tục phải có hành động, thay đổi, có cách tiếp cận mới, không thể theo nếp cũ, máy móc, áp đặt trong quản lý nhà nước; nâng cao kỷ luật lao động cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; rà soát các quy định, quy chế đảm bảo công khai minh bạch; cải tiến công tác nhân sự; cải cách chế độ công vụ... nếu không sẽ ngày càng tụt lùi, không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân.
Theo Trung Anh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)