Chi tiết siêu dự án mới nhất "dính" thua lỗ của ngành Công thương

Google News

(Kiến Thức) - Dự án muối mỏ kali tại Lào - dự án trọng điểm trong năm 2017 -  hiện trở thành dự án thứ 5 của Vinachem và là dự án ngàn tỉ thứ 13 của ngành Công thương bị thua lỗ, gây thất thoát.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) diễn ra tại Hà Nội vào hôm 19/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải của Bộ Công thương cho biết: "Số dự án tồn đọng của ngành Công thương cần giải quyết đến thời điểm này không phải là 12, mà lên con số 13 khi vừa bổ sung thêm Dự án muối mỏ kali tại Lào hiện đã dừng không triển khai".
Như vậy ngoài 4 dự án phân đạm bị đưa vào danh sách dự án thua lỗ trước đó (gồm: Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình), với việc bổ sung thêm dự án  muối mỏ này, Vinachem đang có 5 dự án lỗ nghìn tỷ.
Dự án khai thác muối mỏ Kali được khởi công xây dựng Lào vào tháng 9/2015 có vai trò đặc biệt quan trọng khi cung cấp phân bón Kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu (hiện đang phải nhập khẩu 100%). Dự án do Vinachem làm chủ đầu tư thực hiện, có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm, với công suất khai thác 320.000 tấn/năm và tiến hành khai thác vào năm 2020, dự kiến đạt 1 triệu tấn/năm.
Dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD, còn lại là do các ngân hàng thu xếp hỗ trợ vốn.
Ảnh minh họa: Tiền phong. 
Mời quý độc giả xem video "Điểm lại những dự án PVN thua lỗ nghìn tỷ". Nguồn: VTC1.
Tuy nhiên sau hơn 2 năm khởi công, dự án muối mỏ kali tại Lào đã tạm dừng từ năm 2017. 
Theo báo Đấu Thầu, dự án vướng phải nhiều thủ tục phức tạp chưa lường hết được, công nghệ phức tạp, không nhiều nhà thầu và đơn vị có năng lực để đáp ứng được công tác thi công nên việc triển khai bị chậm so với kế hoạch. Đây cũng là dự án đầu tiên mà Tập đoàn thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Nửa đầu năm 2015, Vinachem đã rót 936 tỷ đồng vào Dự án và hiện đang triển khai một số gói thầu.
Với những khó khăn tại siêu dự án hơn 10.000 tỷ đồng này, Vinachem đã đề nghị Bộ Công thương có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc bảo lãnh chính phủ cho Dự án nhằm bảo đảm vốn giải ngân cho dự án được triển khai đúng tiến độ.
Trước đó, thông tin 12 dự án nghìn tỷ của ngành Công thương bị thua lỗ đã được dư luận đặc biệt quan tâm. 
Báo cáo trước đó của Bộ Công Thương về các dự án thua lỗ cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ gần 43.700 tỷ đồng, nhưng sau đó đã "đội" lên hơn 63.600 tỷ (tăng hơn 45% so với dự kiến ban đầu). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ. Trong số khoảng 47.000 tỷ đồng đi vay có tới 6.600 tỷ do Chính phủ bảo lãnh.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối 2016 là hơn 16.120 tỷ đồng; tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ, chiếm 95% tổng tài sản các dự án.

Về hiện trạng "sức khỏe" của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hiện có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm Nhà máy đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung.

3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn là dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Công ty Bột giấy Phương Nam.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)