Mâm ốc dừa có lịch sử hơn 60 năm ở chợ Bến Thành
Mặc dù là một thành phố không hề giáp biển nhưng nếu nói về các loại ốc thì quả thật khó có nơi chế biến phong phú lẫn đa dạng về hương vị như Sài Gòn.
Đến mức không thể nào đếm nổi có bao nhiêu hàng ốc, quán ốc, tiệm ốc,... nổi tiếng ở Sài Gòn, thậm chí người Sài Gòn con xem nguyên khu quận 4 chính là "thánh đường" của các quán ốc với đủ mọi mức giá cho đến kiểu chế biến khác biệt.
Thế nhưng trước khi đến với hàng ốc đặc biệt lần này, tôi muốn giới thiệu một chút về nét "văn hóa" khi ăn ốc của người Sài Gòn để bạn có thể thấy rõ vì sao tôi nói hàng ốc kia là có 1-0-2.
|
Đi ăn ốc kiểu cơ bản và thường thấy ở Sài Gòn là như thế này. |
Đầu tiên người Sài Gòn đa phần thích tìm đến những hàng ốc phải bán thật đa dạng, phong phú các thể loại ốc khác nhau. Nào là nghêu, chem chép, ốc len, ốc giác, sò mai, sò huyết, cua, ghẹ, tôm càng,... các kiểu và sau đó là chế biến cũng phải thật khéo.
Nội món nghêu thôi cũng đã ra năm, bảy món như hấp thái, hấp xả, xào húng quế, sa tế, dầu hào,... rồi có người sẽ chọn ngồi nhâm nhi cho vui hay cũng có khi là ăn cho no thay bữa tối. Ai "máu" hơn thì gọi vài chai bia, thêm cái lẩu nữa là "nhức nhối".
Thế mà đi ngược lại hết tất cả những gì tôi vừa kể ở trên, hàng ốc này chỉ bán duy nhất 1 món đó chính là ốc dừa.
Đã vậy không hấp, cũng chẳng nướng mà chỉ xào sẵn rồi bày nguyên mâm trên vỉa hè nhỏ sau lưng chợ Bến Thành với vài chiếc ghế nhựa lốc cốc. Ai thích thì gọi một đĩa ngồi lể ốc giữa phố, còn không cứ mua mang về rồi tự bật máy lạnh lên ăn cho nó mát.
Nên nhớ hàng này chỉ bán từ lúc 7h sáng đến khoảng 15h là hết sạch, tùy thuộc vào lượng khách không cố định mỗi ngày. Và cứ thế mà tính đến thời điểm hiện tại, hàng ốc này đã có ở đó được hơn 60 năm, truyền qua 2 đời với người tiếp nhận, duy trì món ốc dừa xào độc tôn ấy từ mẹ chính là chị Phượng.
Bán ốc theo lon sữa bò và cái giá gây tranh cãi của giới "đạo ốc"
Trò chuyện với chị Lệ - một người ở Sài Gòn và từng ăn ốc ở đây suốt hơn 10 năm chia sẻ: "Hồi đó còn đi học tôi thường đạp xe ghé đây với mấy đứa bạn. Mỗi đứa hùn 10k hay 20k để có đủ 50k cho một lon ốc rồi ngồi đó buôn chuyện tới chiều thì về. Còn bây giờ đã lên tới 120k/lon ốc nhưng hương vị và chất lượng tôi thấy cũng chẳng thay đổi gì hồi xưa".
Theo chị Phượng cho biết, chị chỉ chọn loại ốc dừa thuộc dạng rất to (không hẳn là nhất) nhưng mà so với các hàng ốc khác thì khó nơi nào bán kích cỡ tương đương vì giá sỉ mua vào rất cao, chế biến thêm nữa sẽ khó có lời.
Chính vì thế thay vì chọn số lượng thì chị chọn chất lượng, "ốc phải to, tươi thì ăn mới chắc thịt. Mỗi 1kg ốc dừa của chị tương đương khoảng gần 3 lon sữa bò, công chế biến, gia vị thêm vào nữa thì 120k đồng/lon cũng là hợp lý" - chị nói.
Nhìn ốc của chị Phượng mọi người nghĩ sẽ rất nhiều nước sốt, nhưng thực tế thì nó khá khô, chỉ có một màng nước gia vị bao quanh. Khi ăn thì có vị mặn, ngọt và khá cay, bùi bùi của bơ và thơm chút vị cốt dừa.
Ngoài ra để làm nên món ốc dừa tồn tại được hơn 60 năm thì không thể thiếu công thức gia truyền mà chị Phượng được mẹ chỉ lại.
Chị kể: "Trước kia mẹ bán đã tạo được tiếng vang, khắp cái Sài Gòn không ai không biết. Thậm chí đến tận bây giờ khách quen thời của mẹ chị vẫn tìm đến rất nhiều, họ toàn đi ô tô, xe lớn, đặc biệt phải là dân... sành ăn. Rồi có người sang tới Mỹ sống vẫn thèm, lâu lâu lại đánh điện về bảo chị ship thùng thùng qua ăn cho đã".
Tuy nhiên hàng ốc này vẫn gây rất nhiều tranh cãi khác nhau.
Thứ nhất ốc dừa toàn vỏ, ốc càng to thì vỏ càng nặng cân, phần ruột dù kích thước có lớn cỡ nào cũng không thể bằng ốc len, sò huyết hay các loại ốc khác. Đôi lúc ăn rất khó cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó chính vì thế mà món ốc này cần phải chế biến, nêm nếm thật ngon, thật "bắt vị" thì may ra...
Cũng có người cho rằng ốc của cô Phượng đắt là vì giá sỉ đã đắt sẵn, cộng thêm công thức gia truyền khiến hương vị rất đặc biệt, không đâu sánh bằng nên đắt là hợp lý.
Còn với số đông còn lại thì cho rằng 120k/lon với ruột ốc thì ít, chủ yếu nếm gia vị ngoài vỏ thôi thì chẳng đáng... 120k có thể ăn được một món ốc khác thịt to hơn, chế biến đơn giản nhưng giữ được trọn vị tươi thì đó mới là đỉnh cao của ăn hải sản.
Dù nhiều người bàn tán thế hơn 60 năm nay hàng ốc dừa của chị Phượng mỗi ngày vẫn bán đều và sạch mâm rất sớm là điều không thể phủ nhận. Đến mức các gia đình, người dân sống quanh đây cũng xem mâm ốc của chị là "đặc sản" của chợ Bến Thành mà ai cũng phải thử ít nhất một lần.