Đã lâu lắm, thị trường chứng khoán Việt Nam mới sôi động như năm 2016. Điều này xuất phát từ việc loạt doanh nghiệp lớn lần lượt lên sàn, một số cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng, đến việc ghi danh thêm tên tuổi mới trên cương vị người giàu nhất sàn chứng khoán.
Hai lần soán ngôi: Lần một 30 phút, lần hai gần một tháng
Suốt 7 năm nay, thị trường đã quen với việc ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) giữ ngôi vị giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán. Cũng ít ai nghĩ rằng ông có thể bị "soán ngôi" khi tổng tài sản luôn gấp vài lần những người kế tiếp.
Tính đến hết năm 2015, tổng tài sản của ông Vượng hơn người xếp thứ hai là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát, tới gần 5 lần, hơn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, đến gần 25 lần.
Đến ngày 30/9, khi ông Quyết vượt lên vị trí thứ hai thay ông Trần Đình Long, tổng tài sản của ông Vượng vẫn hơn 3 lần so với ông chủ FLC.
|
Tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán bứt phá ngoạn mục so với ông Phạm Nhật Vượng. Đồ họa: Hiếu Công. |
Tuy nhiên, sự tăng giá cổ phiếu Công ty cổ phần xây dựng Faros (ROS) đã thay đổi tất cả. Khi lên sàn ngày 1/9, mức giá tham chiếu của cổ phiếu này là 10.500 đồng.
Sau đó, ROS có chuỗi tăng trần liên tục. Sau hơn 2 tháng lên sàn, giá cổ phiếu ROS tăng tới hơn 10 lần, lên 116.200 đồng/cổ phiếu vào chốt phiên 14/11. Vốn hóa thị trường của ROS cũng tăng từ 451,5 tỷ đồng lên 49.966 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ 279,6 triệu cổ phiếu ROS (65%) trị giá 32.484 tỷ đồng. Ngoài ra, ông sở hữu 108,8 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng giá trị thị trường khoảng 763 tỷ đồng.
|
Chu kỳ tăng giá của ROS và VIC. Đồ họa: P. Diệp. |
Sau những lần tăng liên tục của ROS, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán tăng lên đến 33.247 tỷ đồng. Con số này cũng là kỷ lục mới trên sàn chứng khoán Việt Nam sau 16 năm thị trường đi vào hoạt động.
Thời điểm đó ông Phạm Nhật Vượng chỉ có 31.061 tỷ đồng. Ông Quyết chính thức được ghi danh là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam từ 14/11. Trước đó, ngày 27/10, ông chủ Faros cũng có 2 giờ ngồi ở ngôi vị tỷ phú đôla.
Chuyện của ROS lên báo ngoại
Sau khi thành tỷ phú đôla, tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết xuất hiện ở hầu hết tờ báo lớn. Hoạt động của những công ty do ông Quyết làm chủ đều nhận được sự chú ý. Các phương tiện liên tiếp mổ xẻ câu chuyện thần kỳ của FLC và chuyện “chàng sinh viên trắng tay” Trịnh Văn Quyết khởi nghiệp từ việc buôn điện thoại cũ.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết, cũng nhận đượcnhiều sự chú ý. Sự tăng giá của cổ phiếu ROS đưa bà vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Bà là ai, chân dung người phụ nữ phía sau tỷ phú Trịnh Văn Quyết này như thế nào, khiến rất nhiều người tò mò.
|
Một số câu nói nổi tiếng của ông chủ FLC trong một tháng là người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán. Đồ họa: Châu Châu. |
Về cổ phiếu ROS, khi dư luận trong nước hầu như không đưa nhiều bình luận thì The Wall Street Journal - tờ nhật báo tài chính của Mỹ - lại tỏ ra thận trọng hơn khi có bài phân tích về sự tăng giá bất thường của cổ phiếu này.
Thị giá ROS đã tăng vọt hơn 10 lần, theo phân tích của The Wall Street Journal, thì “dường như không ai hiểu nổi nguyên nhân”.
Trong bài viết đăng tải ngày 18/11, tờ này cũng cảnh báo: “Mức tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu ROS khiến giá trị của công ty này cao hơn 2 tỷ USD so với chính FLC, và làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bán tháo cổ phiếu trên sàn nếu ROS rớt giá”.
Trong khoảng thời gian nói trên, mọi phát ngôn từ “người đặc biệt” Trịnh Văn Quyết luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg ngày 8/12, ông Trịnh Văn Quyết nói rằng: “Chuyện ROS tăng giá không có gì bất thường. Đồ tốt thì giá cao. ROS tăng giá theo cung cầu thị trường”.
Ông cũng phủ nhận những hoài nghi về việc tăng giá nhanh chóng của ROS và cho biết: “Chắc chắn sẽ không có chuyện bán tháo cổ phiếu”.
|
Diễn biến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trong một tháng trên "ngôi vị giàu nhất". Đồ họa: Hiếu Công. |
"Mất ngôi" sau một tháng
Diễn biến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết chủ yếu phụ thuộc vào giá trị vốn hóa của Faros. Theo đó, bất kể khi nào khi cổ phiếu ROS lên xuống đều làm tổng tài sản của tỷ phú đôla mới cũng lên xuống theo.
Sau một khoảng thời gian tăng trưởng khá nóng, ROS đã có dấu hiệu chững lại và mất giá. Tròn một tháng kể từ ngày vươn lên “ngôi đầu”, ông Trịnh Văn Quyết chính thức tụt lại vị trí số hai.
Ngày 13/12, ROS giảm sâu gần 7.000 đồng, xuống còn 101.000 đồng/cổ phiếu, FLC giảm chỉ còn 4.760 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm của 2 cổ phiếu này, tài sản ông Trịnh Văn Quyết chỉ còn 28.779 tỷ đồng, thấp hơn gần 1.300 tỷ đồng so với ông Phạm Nhật Vượng. Lúc đó, tài sản của ông Vượng vẫn ổn định trong khoảng 30.500 tỷ đồng.
Đó cũng là ngày ông Quyết chính thức tụt xuống vị trí thứ hai, trả lại ngôi vị số một cho tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng.
>>> Mời quý độc giả xem video về tỷ phú Jack Ma (nguồn VTV):