|
Vớt rác làm sạch môi trường. |
Dự án do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức.
Dự án được thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến 30/6/2024 gồm 3 hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ môi trường, coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch.
Đánh giá cao mục tiêu của dự án, Phó Tổng cục trưởng kỳ vọng sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý về du lịch địa phương, hiệp hội du lịch sẽ kết nối các hoạt động, chương trình chính sách được lan tỏa đến các doanh nghiệp, du khách và người dân, qua đó nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai tại Ninh Bình và Quảng Nam sẽ đạt hiệu quả, trở thành điểm nhấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, mục tiêu của dự án là hướng tới những người sản sinh nguồn rác thải nhựa. Đó là những đối tượng trực tiếp như người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Họ làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch. Bởi vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành du lịch. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước. Các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm rác thải nhựa trong du lịch được sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch. Kỳ vọng việc triển khai dự án ở hai địa phương là Quảng Nam và Ninh Bình sẽ là cơ sở để lan tỏa sang nhiều địa phương khác.
|
Du khách tham quan Vịnh Hạ Long để lại chai nhựa, túi nilon trên bờ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua đó, đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Theo đó, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam có mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của ngành du lịch, cũng như phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai Dự án.