Theo chỉ đạo, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại hồ Tây; đề xuất giải pháp khắc phục; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/10/2022.
|
Cá chết trắng tại hồ Tây. |
Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, trước hiện tượng cá chết gây ô nhiễm nước hồ Tây, Xí nghiệp Thoát nước số 1 đã tổ chức nhiều lượt công nhân bơi thuyền vớt cá.
Những ngày đầu tháng 10, mỗi ngày, đơn vị thu gom 50-70kg cá chết, chủ yếu là cá trôi, cá mè. Một tuần nay, hiện tượng cá chết đã giảm dần, song vẫn xuất hiện. Đơn vị vẫn tiếp tục theo dõi và vệ sinh hồ thường xuyên.
Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân cá chết tại hồ Tây có thể là do người dân thả phóng sinh nên cá chưa thích nghi được với môi trường sống mới.
Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Bước đầu, chưa phát hiện việc đầu độc hay ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị chết.
Về giải pháp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang chỉ đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1 tổ chức thu vớt cá chết để xử lý theo quy định; tổ chức điều tiết nước tại hồ hợp lý; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý hồ Tây thuộc UBND quận Tây Hồ giữ vệ sinh môi trường tại các tuyến đường quanh hồ, thu vớt rác trên mặt hồ.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Vũ Thanh Ca - Khoa môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay hệ thống nước thải xung quanh hồ Tây chưa tách hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa nên lượng lớn nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn xung quanh hồ Tây xả thải xuống hồ khiến môi trường nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại hồ Tây cũng đã cũ, lượng nước thải rất nhiều nên cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc nước hồ bị ảnh hưởng.
“Trước đây hồ Ngọc Khánh cá chết rất nhiều. Trong thời gian gần đây hệ thống thoát nước thải tại hồ đã được cải tạo, tách riêng với hệ thống thoát nước mưa nên tình trạng cá chết dường như không còn. Chỉ những hồ bẩn thì cá mới chết, đây là hiện tượng không bình”, PGS. TS Vũ Thanh Ca nói.
PGS. TS Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, tình trạng cá chết sẽ không chấm dứt nếu môi trường nước của hồ Tây không sạch. Cần phải có ống sục khí cung cấp oxy cho hồ, nhưng phải thận trọng vì hồ Tây rất rộng, việc sục khí toàn bộ hồ sẽ khó thực hiện, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống thông tin, nhiều ngày gần đây người dân sống tại phố Nguyễn Đình Thi (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh, cá tiếp tục chết và nổi trắng trôi vào ven bờ hồ Tây, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thậm chí, có những con cá to nặng 3-5 kg/con cũng chết nổi trên mặt nước, bị gió thổi dạt vào bờ.
Thông tin từ UBND quận Tây Hồ, tính từ ngày 28/9 đến 6/10, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom được hơn 800kg cá chết trên mặt nước hồ Tây.
Hồ Tây do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về nuôi trồng và khai thác thủy sản; Sở Xây dựng quản lý mực nước như một hồ điều hòa phục vụ công tác thoát nước (quản lý các cửa phai, vớt bèo); UBND quận Tây Hồ quản lý về trật tự trị an.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thả cá KOI và cá chép Tam Dương xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây (Nguồn: HANOITV)