Ở nước ta, du lịch xanh cũng đang được xem là xu hướng tất yếu phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam.
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Yếu tố cốt lõi của “du lịch xanh” là sản phẩm du lịch xanh.
Sản phẩm xanh cần đạt các tiêu chí như: được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng...
|
Du lịch xanh là xu hướng tất yếu phát triển du lịch Việt Nam. Ảnh minh họa |
Với cách tiếp cận trên, sản phẩm du lịch xanh được hiểu là những sản phẩm các yếu tố đặc biệt là dịch vụ, thân thiện môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiện nay, khi du khách ngày càng quan tâm đến môi trường tự nhiên thì việc phát triển sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến du lịch. Du lịch xanh được áp dụng trong hệ thống khách sạn, đơn vị vận chuyển, kinh doanh lữ hành, nhà hàng bằng các biện pháp bảo vệ môi trường như xử lý nước thải tránh ô nhiễm, thu gom triệt để rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh, giảm tiếng ồn…
Việt Nam sở hũu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá phong phú. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch xanh phát triển ở nước ta. Hơn thế, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì thế, chúng ta cần phát triển du lịch xanh, tạo điều kiện cho một nền kinh tế xanh bền vững.
Điều đáng mừng là các doanh nghiệp du lịch Việt đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Nhiều địa phương cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Đà nẵng Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình...
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, phát triển du lịch xanh vẫn đang gặp không ít khó khăn do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường chưa cao.
Về giải pháp phát triển du lịch xanh bền vững, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các câu lạc bộ du lịch cần liên kết cùng nhau bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như khuyến khích đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng đồ nhựa; tư vấn cho khách không mang túi nhựa, chai lọ nhựa trong chuyến du lịch.