Chiều ngày 9/5, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cho biết đã ra quyết định sa thải bà P.H.T - Giám đốc Chi nhánh SCB Nguyễn Kiệm do có hành vi cố tình lập hồ sơ giả, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho vay.
Đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an để điều tra làm sáng tỏ.
Theo SCB, trước đó lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư N&T đã đến Chi nhánh SCB Nguyễn Kiệm (TP.HCM) để vay vốn đầu tư dự án, khoản vay 630 tỷ đồng và đã làm việc với bà T. Đến ngày 24/3/2021, do quá lâu không thấy được cấp tín dụng và nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Công ty cổ phần Đầu tư N&T đã gửi đơn tố cáo bà T. làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền gây thiệt hại cho Công ty với số tiền gần 8 tỷ đồng.
Ngay khi nhận được đơn tố cáo của Công ty cổ phần Đầu tư N&T, SCB đã lập tức kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mà bà T. thực hiện và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư N&T.
Qua quá trình làm việc với các bên liên quan, SCB nhận thấy các hành vi của bà T. có dấu hiệu vi phạm luật hình sự; phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
|
Ảnh minh họa. |
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng trước tiên, cần xác định bà T. có nhận tiền từ doanh nghiệp hay không? Nếu có nhận thì số tiền nhận là bao nhiêu và dùng để làm gì? Không những vậy, cần xác minh chính xác các tài liệu mà SCB cho rằng bà T. làm giả có đúng là giả hay không?
Trường hợp xác định là T. đã làm giả giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt 8 tỷ đồng của doanh nghiệp thì hành vi của bà này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Cụ thể, tại Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định: "1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Trường hợp bà T. làm giả các tài liệu mà SCB đã nêu nhưng không chiếm đoạt 8 tỷ như doanh nghiệp tố cáo thì hành vi của bà T. có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Như vậy, hành vi của bà T. có thể bị pháp luật xử lý theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức":
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;...”.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cho rằng ngân hàng SCB cũng cần phải chịu trách nhiệm do việc quản lý nhân viên của mình.