Cụ thể, trong nửa đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của HVN ước đạt 51.662 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch.
Trong đó, Công ty mẹ ước đạt 38.328 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.787 tỷ đồng, tăng 21,8%. Như vậy sau nửa đầu năm, Vietnam Airlines đã hoàn thành được 46,2% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lãi trước thuế.
Đáng chú ý, từ ngày 1/6/2019, Vietnam Airlines tiếp tục điều chỉnh tăng chế độ tiền lương cho phi công nhằm đảm bảo nguồn lực cho công tác khai thác, đào tạo.
|
Vietnam Airlines điều chỉnh tăng lương cho phi công từ đầu tháng 6/2019.
|
Theo bản cáo bạch năm 2018 của Vietnam Airlines, phi công của hãng bay này nhận mức lương bình quân là 132,5 triệu đồng/tháng, tăng thêm gần 11 triệu so với năm 2017. Tiếp viên hàng không nhận lương trung bình 28,9 triệu đồng, tăng 1,7 triệu đồng so với năm 2017. Cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines (trừ HĐQT và ban giám đốc) nhận lương bình quân 28,8 triệu mỗi tháng, tăng 4,7 triệu đồng so với năm trước.
Động thái tăng lương cho phi công diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không của Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu thiếu hụt về nhân sự phi công, trong khi quy mô thị trường phát triển nhanh và áp lực cạnh tranh giữa các hãng bay ngày càng khốc liệt. Đặc biệt là sự xuất hiện của các hãng bay mới như Bamboo Airways hay sắp tới có thể là Vinpearl Air hay Vietravel Air.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 tàu bay mang quốc tịch Việt.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Hiện tại, tại Việt Nam chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công, vì vậy hầu hết phi công phải đào tạo tại nước ngoài với chi phí cao và không chủ động được nguồn nhân lực.
Vào tháng 4, câu chuyện về tranh giành phi công giữa Bamboo Airways và Vietnam Airlines cũng đã làm nóng vấn đề về nhân sự ngành hàng không tại Việt Nam. Theo đó, FLC đã gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải về việc "nhặt" được một văn bản tại trụ sở, được cho là từ Vietnam Airlines tố Bamboo Airways giành phi công.Văn bản này phản ánh rằng Bamboo Airways có hành vi giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho Vietnam Airlnes lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Theo số liệu trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm của Cục Hàng không Việt Nam, tổng khách vận chuyển trong nửa đầu năm 2019 là 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thị phần của Vietnam Airlines là 35,9%, VASCO là 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.
Ngày 07/5/2019, Vietnam Airlines đã chính thức hoàn tất thủ tục chuyển sàn Upcom và niêm yết cổ phiếu HVN trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Hiện cổ phiếu HVN đang giao dịch quanh ngưỡng 42.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp đạt khoảng 60.300 tỷ đồng.