Đại gia chọn chim kỹ hơn tuyển... “chân dài“

Google News

Với người ngoại đạo thì chim nào cũng là chim, nhưng dân trong nghề chia chim thành ba loại chính là: chim cảnh, chim hót và chim đá.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, thú chơi chim cảnh đã "nở rộ" trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước. Để theo đuổi thú vui này, người chơi cũng tốn không ít thời gian cũng như tiền bạc, đặc biệt là sự kỳ công, tỉ mỉ trong việc chăm sóc và huấn luyện để có được một con chim có giá trị.

Chọn chim khó như... tuyển người mẫu

Từ xa xưa, chơi chim cảnh được xem là một thú chơi xa xỉ bởi chỉ có những bậc vua chúa hay cánh nhà giàu mới có điều kiện chơi. Thế nhưng, bây giờ, người người nhà nhà đều có thể chơi chim được, miễn là có lòng đam mê với cái thú chơi kỳ công này. Người không có điều kiện thì có thể nuôi một vài con để thi thoảng nghe tiếng hót cho vui cửa vui nhà, để giải tỏa những mệt nhọc, bức bối trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng chính là điểm lạ mà không phải thú chơi nào cũng có được. Còn người có điều kiện hơn thì chơi và chăm sóc chim theo những kiểu đặc biệt hơn.

 Để chăm sóc, nuôi dưỡng được những chú chim, người nuôi cần phải có sự đam mê.

Theo chân một dân chơi sành về chim cảnh ở Hà Tĩnh để tìm hiểu về thú vui này, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước độ xa xỉ của giới chơi chim hiện nay. Ở TP.Hà Tĩnh, cứ sáng thứ 7 hàng tuần, tại một quán cà phê ở đường Cao Thắng, người ta lại bắt gặp rất nhiều người tụ tập để tham gia hội thi dợt chim. Tại đây, hàng chục người chơi chim trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận lại tập trung mang chim đến đây để tập dợt cho những chú chim của mình hót hay hơn, căng hơn và tập được nhiều giọng hơn. Ở đây có đủ các loại chim như chào mào, chích choè, hoạ mi, vành khuyên... cùng nhau "đua" tiếng hót. Những người có thâm niên trong nghề chơi chim sẽ phân biệt được giọng hót của từng chú chim. Còn đối với những người vừa mới tập tễnh bước vào trò chơi tao nhã này thì ít ra khi nghe tiếng chim hót cũng thấy vui tai và thích thú.

Chủ quán "cà phê chim" này cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Tĩnh, thời gian này cũng phải có khoảng vài trăm người chơi chim và tìm hiểu về thú vui này. Mỗi ngày, anh phải tiếp vài lượt khách đến hỏi về chim, có ngày nhiều anh tiếp đến vài chục lượt.

Với người ngoại đạo thì chim nào cũng là chim, nhưng dân trong nghề chia chim thành ba loại chính là: Chim cảnh, chim hót và chim đá. Theo anh Văn Tiến Dũng, một người chơi chim kỳ cựu, các loại chim hiện đang được nhiều người ưa thích nhất là chào mào, chích choè than, chích choè lửa, hoạ mi, vành khuyên, khướu, cu..., nhưng dù là loại chim nào thì cũng cần phải đảm bảo bốn tiêu chí cơ bản là "thanh - sắc - hình - bộ" mới tạm coi là "chơi được". Thanh nghĩa là tiếng hót phải hay; sắc là màu lông phải đẹp; hình là cơ thể, vóc dáng phải đối xứng, săn chắc; bộ là tổng thể tướng mạo chim phải toát lên thần thái riêng. Để lựa chọn được một con chim đạt tiêu chuẩn trên là điều không phải dễ, chỉ những người am hiểu và có lòng đam mê thực sự mới đánh giá được. Một dân chơi còn đùa rằng: "Chọn chim cũng khó như... tuyển người mẫu", bởi nó phải đánh giá từ hình thức bên ngoài cho đến tiếng hót. Hình thức của một con chim được đánh giá bằng vẻ bề ngoài: Dáng phải chuẩn, bộ lông mượt mà, màu sắc hài hòa, đặc sắc. Những "ứng cử viên" sáng giá cho kiểu này thường là các loài chích chòe, hoàng yến, vành khuyên, thanh tước,...

Chim hót (gáy) phải đạt chuẩn về độ trong, vang, lảnh lót. Chim hót còn được chia làm hai loại là chim học nói tiếng người như vẹt, sáo, yểng,... và chim có giọng hót hay như họa mi, sơn ca, khướu... Những cao niên có nhiều kinh nghiệm nuôi chim hót cho rằng, để có chim hót hay thì phải tập cho chim hót thường xuyên, lâu ngày chim hình thành phản xạ có điều kiện mới có thể đi biểu diễn, thi đấu. Chim thiếu kinh nghiệm đến chỗ lạ, đông người là hoảng sợ, không thể hiện, phô diễn được hết sở trường của chúng.

Việc chọn chim đã khó, nhưng để nuôi và chăm sóc chúng lại càng vất vả hơn. Công đoạn chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ từ việc chọn thức ăn, bổ sung các dưỡng chất để tăng sức đề kháng, cũng như chế độ tắm rửa, chùi dọn lồng chim. Việc thay đổi thời tiết, điều kiện khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến chim. Nếu thời tiết hanh khô thì thức ăn của chim phải bổ sung thêm các loại thuốc bổ, trời lạnh thì chim hay bị khao cổ, mất tiếng, dễ bị liệt..., người chơi phải chú ý thì mới nhận biết được các hiện tượng trên.


Chim "độc", chuồng "lạ" ngốn không ít tiền


Giới chơi chim thường rỉ tai nhau loại chim ở mỗi vùng miền có sự khác biệt lẫn nhau. Cũng là chim họa mi, nhưng nếu ở vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì thường có tiếng hót hay, trong và có vẻ hiếu chiến hơn ở vùng khác. Hay như chào mào ở vùng núi Kim Phụng hoặc Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng hơn, bởi tiếng líu lo. Bởi thế, dân chơi chim đã bỏ không ít công sức, tiền của để truy tìm những con chim độc, đẹp và lạ. Giá cả của những chú chim này thì không hề rẻ, chú họa mi Hương Sơn của anh Hoàng Văn Hổ (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) hiện đã được định giá 35 triệu đồng, vì đã nhiều lần đoạt giải trong các hội thi chọi chim. Hay như con sơn ca có giọng hót hay giá có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng. Đôi khi cũng có con giá chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng hót dở, loại chim này chỉ dành cho những tay mới vào nghề chơi.

Để có được một con chim hót hay, có khi người chơi phải truy tìm hàng tuần đến hàng tháng. Một anh bạn chơi chim cảnh lâu năm cho chúng tôi biết, để lùng được những con chim hót hay và đẹp thì phải nhờ đến các mối quan hệ bạn bè, anh em, hay những người sành về chim... giới thiệu. Anh Dũng tâm sự: "Chỉ cần nghe ai nói có chim hót hay là tôi vội vàng tìm đến. Có trường hợp, khi tôi đến một gia đình để mua chim thì người bố đồng ý bán, người con lại không chịu. Phải vất vả đi lại và thuyết phục nhiều lần, tôi mới có được con chim đó". Có trường hợp, chỉ riêng tiền môi giới để mua được một con chim cũng đã ngốn hết 7 - 8 triệu đồng của người chơi.

Không chỉ chơi chim mà hiện nay các loại "phụ kiện" kèm theo cho chim cũng đang gây sốt. Ở TP.Hà Tĩnh có cặp lồng Tàu bằng tre ngà chạm trổ hết sức cầu kỳ, tinh xảo trị giá khoảng 50 triệu đồng của anh Nguyễn Tân Lý (chủ quán cà phê chim). Ngoài ra, anh Lý còn sở hữu vài chục chiếc lồng khuyên, họa mi, chào mào có giá 5 - 10 triệu đồng.

Anh Lý cho biết: "Con chim quý phải ở lồng son". Mặc dù con chim đẹp, giọng hót hay không phụ thuộc vào chiếc lồng nhưng dẫu sao chiếc lồng đẹp thì sẽ "tôn" chú chim lên rất nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghệ nhân Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được mệnh danh là "đệ nhất lồng chim xứ Huế", bởi sự đường nét và sự tinh xảo của mỗi chiếc lồng do ông chế tác. Nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả, đặc biệt rất đam mê thú chơi chim cảnh nên ngoài sưu tầm những loài chim đẹp, quý hiếm, họ còn rất quan tâm đến ngôi nhà cho chim để làm sao phải vừa đẹp, vừa "độc". Vì thế, những sản phẩm của ông đều có giá rất cao, thông thường, một chiếc lồng có giá dao động 5-20 triệu đồng. Còn những chiếc đặc biệt do khách hàng đến tận nơi đặt phải làm trong thời gian dài vì độ công phu cũng như phải mất công tìm đúng nguyên liệu nên có giá 40-50 triệu đồng.

Ngoài việc chọn chơi chim đẹp, hót hay, lồng đỉnh, giới chơi chim còn đầu tư tiền triệu cho những "phụ kiện" đi kèm như coóng đựng thức ăn, nước uống cho chim. Có những bộ coóng có giá gần chục triệu đồng như những bộ coóng được làm bằng ngà voi, đồi mồi, xương, sừng, gỗ quý... Còn đối với các loại coóng bình dân được làm từ sứ, thủy tinh, nhựa có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:














BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Người đưa tin

Bình luận(0)