Hiện tại, hệ thống Món Huế đóng cửa hầu hết chi nhánh trên toàn quốc. Các chuỗi Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea cũng ngừng hoạt động tại một số địa điểm.
Nhân viên tại các chuỗi này bị nợ 70% lương tháng 9 và toàn bộ lương tháng 10, trong khi kỳ lương tháng 8 cũng bị chia làm 2 đợt thanh toán.
Bỗng dưng mất việc, không trả nổi tiền nhà
Trao đổi với chúng tôi, bếp trưởng tổ hợp nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy ở khu đô thị Sala (quận 2, TP.HCM) bày tỏ bức xúc vì bị nợ lương nhưng không nhận được lời giải thích hay hứa hẹn gì. Chi nhánh này đã đóng cửa từ ngày 15/10.
|
Email thông báo thanh toán kỳ lương tháng 9. Ảnh: NVCC. |
Thông thường, công ty chốt chấm công vào ngày 30 hàng tháng, sau đó thanh toán cho nhân viên vào ngày 15 tháng sau.
Tuy nhiên, đến ngày 18/9, nhân viên chi nhánh mới nhận được 30% lương tháng 8, số còn lại được thanh toán vào ngày 23/9.
Sự việc tái diễn tương tự với khoản lương tháng 9. Họ nhận 30% lương từ ngày 16/9, sau đó không còn được hứa hẹn gì về số tiền còn lại cùng kỳ lương tháng 10.
Với người phụ nữ này, tổng số tiền lương chưa được thanh toán là khoảng 12 triệu đồng. Bà cho biết các nhân viên khác tại chi nhánh cũng bị "giam" khoảng 4-8 triệu đồng tùy vị trí.
"Con số này có thể ít so với khoản nợ của các nhà cung cấp, nhưng lại là cơm ăn áo mặc của chúng tôi. Có bạn sinh viên làm thêm đã tìm được chỗ làm mới nhưng đến tháng sau mới có lương, giờ mỗi sáng phải đi phụ hồ ngoài công việc chính và học tập để trả tiền nhà và tiền ăn. Vẫn còn nhiều người chưa may mắn tìm được việc", bà chia sẻ.
|
Nhiều nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng... đã đóng cửa và thu dọn đồ đạc, chỉ còn vài hạng mục chưa tháo dỡ và bảo vệ còn làm việc. Ảnh: Lê Quân. |
Trong khi đó, cô Nga, một nhân viên bếp ở nhà hàng Món Huế Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), đang bị nợ hơn 5 triệu tiền lương, cho biết vẫn phải đi làm đầy đủ cho đến ngày 21/10 - thời điểm chi nhánh này chính thức đóng cửa.
"Họ bắt chúng tôi phải đi làm dù không trả lương hay trợ cấp cơm ăn như trước đây, còn dọa nếu nghỉ việc sẽ mất luôn 70% lương tháng 9 chứ đừng nói đến lương tháng 10", cô Nga nói với chúng tôi.
Đến nay, cô và các nhân viên ở đây chỉ có thể liên hệ với quản lý chi nhánh, nhưng người này cũng không rõ khi nào được thanh toán tiền lương.
Một số nhân viên phục vụ ở các quán TP Tea Lê Thánh Tôn và Hồ Tùng Mậu (quận 1, TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng tương tự với số tiền khoảng 5-10 triệu đồng mỗi người.
Không dùng được bảo hiểm y tế, không thể nhận trợ cấp thất nghiệp
Ngoài vấn đề nợ lương, nhân viên các hệ thống này còn tố công ty "quỵt" tiền bảo hiểm của họ.
Một số người cho biết hàng tháng đều bị trừ 400.000-500.000 đồng tiền bảo hiểm trong bảng lương. Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám bệnh, họ được nhân viên y tế thông báo thẻ bị cắt từ 9 tháng trước.
Ngoài ra, đối với trường hợp thất nghiệp do hệ thống đóng cửa như hiện nay, các nhân viên chưa được hoàn trả hồ sơ để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, họ cũng không thể liên lạc được với bộ phận nhân sự hay tổ chức hành chính để xin hỗ trợ về hồ sơ và thủ tục.
"Chúng tôi làm cả năm, giờ gần đến Tết vừa mất việc, không có thưởng hay lương tháng 13, lại còn bị "quỵt' gần 2 tháng lương và các khoản bảo hiểm. Giờ những người liên quan đều không thấy đâu hết, chúng tôi biết khóc với ai?", cô Nga chia sẻ.
Trước đó, ghi nhận tại một số chi nhánh trên khu vực quận 1 và quận 2 (TP.HCM) của công ty Huy Việt Nam, một số nhân viên đã chủ động thu gom nguyên liệu và vật dụng còn sót lại như rau củ quả, dầu ăn, nước tương... đem về nhà sau khi nghe tin đồng loạt đóng cửa.
Trong khi đó, các chi nhánh tại Hà Nội vẫn còn lại bàn ghế, bát đũa và thiết bị nấu nướng.
|
Khu vực bếp tại một chi nhánh Món Huế ở Hà Nội chỉ còn sót lại bát đũa. Ảnh: Văn Hưng. |
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định đây là quan hệ giữa công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế (Công ty TNHH Món Huế; Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam) với người lao động. Quan hệ này là hợp đồng giữa pháp nhân với người lao động.
Do đó, việc công ty đóng cửa hàng loạt cửa hàng, nợ lương người lao động là quan hệ pháp luật dân sự, chưa có dấu hiệu cho thấy yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người lao động cần nhanh chóng khởi kiện, yêu cầu thanh toán nợ tại tòa án có thẩm quyền.
Chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH Món Huế và Công ty Huy Việt Nam cũng như ban lãnh đạo công ty nhưng chưa có phản hồi.
Công ty Huy Việt Nam hiện vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615 với khoảng 200 cơ sở.
Ngày 2/10, thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.