Cụ ông biến khe đá thành ao nuôi cá, lãi 300 triệu/năm

Google News

Ông Pờ Dần Xinh dân tộc Hà Nhì, bản Tà Ko Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã có cách nuôi cá lạ mà hay-đó là tận dụng khe đá, vụng nước khe đá để làm ao.

Ông Pờ Dần Xinh là gia đình đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá thương phẩm với số lượng lớn nơi vùng cao biên giới. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông Xinh lãi hơn 300 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Xinh cho biết: "Tôi có duyên với nghề nuôi cá này, trong một lần đi thăm người bạn ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, tôi thấy người dân ở đây nuôi cá rất nhiều, lại ít chi phí chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm lại ổn định. Khi trở về, tôi thấy nguồn nước ở khe suối gần nhà chảy quanh năm, tôi nghĩ nếu nuôi cá thì nhất định không thiếu nước...".
Hàng ngày ông Xinh đều xuống ao kiểm tra quá trình phát triển của đàn cá. 
Sau đó, ông Xinh quyết định lựa khe đá rồi đào 4 ao thả cá với tổng diện tích lên tới 5.000m2. Giữa vụng khe đá làm ao, ông làm thêm đường dẫn nước từ suối về. Cá giống được ông Xinh mua từ các trang trại giống ngoài TP.Điện Biên và tỉnh Lào Cai bao gồm cá rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ, trôi...nên chất lượng giống luôn được đảm bảo...
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc ao cá, tôi đã bỏ thêm chi phí mời các chủ trang trại cá giống ngoài huyện Mường Nhé về nhà hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tôi còn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các ao và trang trại nuôi cá ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu về áp dụng vào chính mô hình nuôi cá của gia đình. Giờ tôi đã có kiến thức nhiều hơn trong chăn nuôi cá, nên không còn lo lắng nữa.
Khác với các mô hình nuôi cá ở các tỉnh, thành phố dưới xuôi, ông Xinh nuôi cá hoàn toàn bằng cỏ voi, lá chuối, ngô và sắn xay nhuyễn, không dùng chút cám viên hay cám công nghiệp nào. Vì vậy, chất lượng cá thương phẩm của gia đình ông luôn bảo đảm được yếu tố sạch, thịt săn chắc, được rất nhiều người dân trong vùng và tiểu thương ngoài huyện, thành phố ưa chuộng.
Hàng năm cứ đến tháng 4 – 5 dương lịch, ao cá nhà ông Xinh bắt đầu cho thu hoạch, các tiểu thương ngoài huyện và TP.Điện Biên lại tấp nập đánh xe tải về tận ao thu mua với số lượng lớn. Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm cá thương phẩm của gia đình ông luôn ổn định, đem lại thu nhập kinh tế cho gia đình rất lớn. Trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, ông Xinh lãi hơn 300 triệu đồng/năm từ ao cá vốn trước kia là khe đá, vụng nước.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi và chăn nuôi theo hướng hữu cơ, nên đàn cá của gia đình ông Xinh phát triển khỏe mạnh và được nhiều thương lái ưa chuộng. 
Trao đổi với Dân Việt, ông Thào A Tủa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho hay: “Mô hình nuôi cá thương phẩm hiện nay là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện áp dụng. Nắm bắt được nhu cầu này của hội viên, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với đó là hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế...".
Theo ông Thào A Tủa, gia đình ông Xinh là một trong những hộ được giải ngân vay vốn ưu đãi nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho dự án nuôi cá nước ngọt thâm canh. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hộ nông dân chuyển đổi thành công mô hình nuôi cá thương phẩm và xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương...
Theo Hà Hoàng - Tuệ Linh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)