Trang trại trồng ớt công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, Thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) - một nông trại có thể được đánh giá là tự động hóa cao trong sản xuất nông nghiệp.
Vốn là một cựu chiến binh trở lại với đời sống nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Cường cũng giống như hầu hết bà con xung quanh, chủ yếu trồng cà phê và dâu tằm là cây trồng chính.
Dù cuộc sống không còn nghèo nhưng cây cà phê và cây dâu chưa giúp người nông dân làm giàu. Vì vậy, nghiên cứu kỹ các mô hình nông nghiệp, ông Cường và gia đình quyết tâm chuyển sang trồng rau cao cấp, những loại rau cần mức chăm sóc cao như ớt ngọt.
Quyết là làm, ông cho trục hết gốc cà phê, dâu tằm, làm hệ thống nhà kính gồm 5 sào với trang thiết bị hiện đại.
Điểm đặc biệt nhất trong quy trình canh tác tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Cường chính là hệ thống chăm sóc cây tự động. Một hệ thống gồm những đường ray chạy dọc các rãnh luống, con robot tự động chạy dọc đường ray, giúp việc làm nông trở nên dễ dàng.
Anh Nguyễn Văn Phú, con trai ông Cường, người thường xuyên vận hành hệ thống chăm sóc cho biết: “Hệ thống chăm sóc cây tự động phải nói là thuận lợi. Robot chạy bằng điện, có tốc độ nhanh, chậm tùy người điều khiển.
Người ngồi trên robot có thể nâng lên, hạ xuống, từ thu hoạch như hái quả, buộc ngọn, làm lá, cắt chồi bẻ ngọn đều rất nhàn. Nhất là thu hoạch, chỉ cần ngồi trên robot là có thể hái theo sự lựa chọn, có sẵn thùng đặt, khi hái xong xe chạy về điểm tập kết, không mất công, mất sức mà rất nhàn”.
Không chỉ chạy trên đường ray, con robot còn có thể lắp bánh hơi, tự chạy trên đường bình thường, di chuyển dễ dàng từ nhà kính này sang nhà kính kia. Sử dụng điện từ hệ thống ắc quy, người ngồi trên robot hoàn toàn không lo việc cháy nổ, giật điện hay các tai nạn từ điện khác.
Robot phục vụ việc trồng ớt công nghệ cao trong nhà kính tại nông trại của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng)...
Không chỉ phục vụ thu hoạch hay vặt lá, bẻ chồi, robot còn phục vụ việc phun thuốc rất hợp lí. Từ trên robot, chọn độ cao phù hợp, người nông dân có thể phun thuốc tới tận các ngóc ngách khó vươn tới nhất, điều chỉnh lượng thuốc đúng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Con robot sẽ giúp người nông dân giảm rất nhiều công sức, đồng thời, giảm lượng thuốc bơm, tiết giảm chi phí về lâu dài. Nhất là với cây ớt, một giống cây leo giàn, nếu ở các nông trại bình thường khác thì nông dân thường phải bắc giá để trèo lên buộc ngọn khi cây nhỏ, làm chồi, bẻ ngọn khi cây lớn. Còn với con robot và hệ thống chăm sóc cây tự động này, việc leo trèo an toàn hơn, giảm tai nạn ngã, đổ trong sản xuất nông nghiệp.
Điểm “trừ” của hệ thống chăm sóc cây tự động chính là chi phí đầu tư khá cao. Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, nếu chỉ làm nhà kính bình thường, chi phí từ 270 - 350 triệu đồng/sào. Nhưng đầu tư thêm hệ thống chăm sóc cây tự động, chi phí đầu tư phải trên 500 triệu/sào. Tuy nhiên, ông Cường vẫn chọn tăng mức đầu tư vì tính toán lợi ích lâu dài.
Ông chia sẻ: “Tuy đầu tư thêm hệ thống thì cũng tăng chi phí ban đầu nhưng lợi ích rất lớn, nhất là về công lao động. Như nhà tôi, 5 sào chuyên trồng ớt ngọt nhưng chỉ cần 2 - 3 người trong gia đình làm là đủ, công việc khá nhàn vì những việc nặng robot đã thực hiện hết, tưới nước phun thuốc hoàn toàn tự động”.
Có hệ thống chăm sóc cây tự động, chất lượng ớt nhà ông Cường được đánh giá rất cao. Hiện, vườn nhà ông trồng 6 loại ớt ngọt các loại, từ ớt to bình thường tới ớt mini phục vụ ăn sống. Với giá trung bình 35 ngàn đồng/kg, vườn ớt 5 sào mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Ông Cường trồng ớt đều theo hợp đồng, có sẵn đầu ra, việc bao tiêu sản phẩm càng giúp gia đình thêm tin tưởng đầu tư lâu dài.
Ông Đinh Văn Sang, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, hộ ông Nguyễn Văn Cường là nông hộ đầu tư mô hình canh tác hiện đại nhất trong xã và khu lân cận.
Ngoài đầu tư hệ thống chăm sóc cây tự động, gia đình ông Cường còn ứng dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững như sử dụng bẫy diệt vi sinh vật gây hại, hạn chế sử dụng thuốc. Ứng dụng mô hình trang trại nhỏ với công nghệ hiện đại như gia đình ông Nguyễn Văn Cường đang là một cách làm mới của nông dân Lâm Đồng.