Bún riêu, canh rau nấu với cua đồng... là những món ăn quen thuộc của nhiều người. Thứ không thể thiếu trong những món này chính là cua đồng xay. Vì sự tiện ích nhiều người nội trợ ra chợ mua cua đồng xay sẵn về nấu. Tuy nhiên, việc mua cua xay sẵn như thế tiềm ẩn nguy cơ không hợp vệ sinh rất cao.
Quan sát ở một vài chợ, cảnh nhiều nơi bày cua xay sẵn khá nhiều. Một số nơi bán có cả cua xay sẵn và cua chưa xay. Điều đáng nói là trong thau chứa cua chưa xay, ngoài những con cua sống xung quanh thì ở giữa thau có rất nhiều cua đã chết, nằm ngửa và nổi nhiều bọt khí. Điều này cho thấy lẫn trong cua sống thì người bán vẫn xay chung cua đã chết.
|
Giữa thau chứa cua còn sống có khá nhiều cua đã chết. |
Đứng quan sát thêm một lúc, người bán bỏ lẫn cua sống và chết xay chung với nhau rồi đổ ra thau đã xay sẵn. Khi có khách hàng nào đến mua, nếu không muốn lấy cua xay sẵn thì chủ sạp chọn vài con cua sống lẫn vài con cua chết trong thau nhúng nước sơ qua nước, bóc vỏ sơ và bỏ vào máy xay. Trong khi khâu chế biến cua là rất quan trọng. Bên cạnh cua là một máy xay có nhiều ruồi bâu.
Nguy cơ mắc bệnh nếu dùng phải cua xay sẵn không đảm bảo
Nhưng để đảm bảo sức khỏe, khâu chọn và chế biến cua rất quan trọng. Cần chọn cua tươi sống và phải biết cách chế biến đúng cách. Khi chế biến cần làm sạch để loại bỏ vắt, trứng giun sán, ấu trùng… Vì cua là loài sống ở sông, hồ thường có rất nhiều bùn, đất. Với cua, thường dùng xác động vật hoặc chất mùn làm thức ăn, vì vậy trên mang, cơ thể và đường ruột của cua chứa nhiều bùn đất và vi khuẩn. Nhưng việc chế biến sơ sài ở một số nơi rồi mang đi xay ngay thì không thể loại bỏ được những vật ký sinh gây hại.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thêm nếu cua đã chết chúng ta không nên ăn. Trong cua chết hàm lượng amoniac rất cao, lượng vi sinh vật cũng sẽ rất lớn, vi sinh vật này sẽ sinh ra độc tố. Chính vì thế người tiêu dùng không nên ăn cua đã chết kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì hành vi vi phạm: Quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn hoặc thực phẩm tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm và chất độc hại; sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng có thể bị xem xét xử lý hình sự.