Cam Canh Kim An vỏ mỏng, mọng nước và có vị ngọt, thơm đặc trưng. Thương hiệu cam Canh Kim An từ lâu đã được khẳng định trên thị trường Thủ đô cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.
Mới đầu vụ cam Canh, nhưng từ trên tuyến đê dẫn xuống xã Kim An, không khí mua bán cam Canh diễn ra tấp nập. Anh Nguyễn Duy Quang (thôn Tràng Cát), vui mừng cho biết, năm nay cam Canh được mùa, cây nào cũng sai trĩu quả. Với 1 mẫu trồng cam Canh VietGAP, gia đình anh ước tính sẽ thu hoạch được 30 tấn cam. Hiện với giá bán 45.000 đồng/kg, gia đình anh Quang sẽ có tiền tỷ trong tay.
|
Từ trồng cây cam Canh, nhiều nông dân xã Kim An có thu nhập cao. Ảnh: T.L |
Năm 2014, sản phẩm cam Canh Kim An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An”. Năm 2016, xã Kim An được ngành nông nghiệp công nhận 18,8ha cam sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến cuối năm 2017, này xã có thêm 22ha cam nữa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP nên cam của gia đình tôi luôn được khách hàng tin dùng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây cam Canh Kim An không chỉ tăng năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều. Năm nay cam được mùa, được giá nên gia đình tôi rất phấn khởi. So với việc trồng lúa và lá dong, cam Canh có giá trị cao hơn gấp 7-8 lần” - anh Quang bộc bạch.
Theo anh Quang, trong quá trình chăm sóc cây, gia đình anh và các hộ trồng cam VietGAP đã áp dụng bón phân hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây… Đặc biệt, nguyên tắc thu hoạch cam sau 2 tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật được anh thực hiện nghiêm túc để cam luôn đảm bảo an toàn.
Ông Lê Xuân Long là một trong những hộ tiên phong trồng cam Canh ở thôn Ngọc Liên. Vừa làm vừa thử nghiệm, giờ ông Long đã dày dặn kinh nghiệm. “Được trời phú cho chất đất phù sa màu mỡ, cây cam Canh rất hợp đất Kim An. Cam Canh Kim An vỏ mỏng, mọng nước và có vị ngọt, thơm đặc trưng, rất được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Vào thời điểm này, hầu hết các vườn cam tại Kim An đã được thương lái đặt mua” - ông Long cho hay.
Theo ông Long và anh Quang, cam Canh là loại cây “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.
Về kỹ thuật chăm sóc cam Canh, ông Long cho biết có thể kể cả ngày cũng không hết chuyện từ đảo rễ, nhấc cây lên đặt lại đến chăm bón bằng đậu tương, ngô nghiền ngâm kỹ cả năm pha loãng ra để tưới. Bởi thế quả cam đẹp, vỏ mỏng mảnh, múi cam ngọt lừ. Bình quân mỗi năm gia đình, ông Long thu lãi 600 – 700 triệu đồng từ việc trồng cam.
|
Xây dựng thương hiệu cam sạch |
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết: Từ năm 2001, cây cam Canh đã được nông dân Kim An đưa về trồng tại địa phương. Những năm gần đây, được hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam cho hiệu quả kinh tế cao và là cây trồng chủ lực của nông dân xã Kim An.
“Hiện xã có 206,73ha diện tích sản xuất, trong đó cây ăn quả chiếm 130ha. Chủ lực là cây cam với diện tích trên 110ha tập trung trồng ở 2 thôn Tràng Cát và Ngọc Liên. Vụ cam năm 2017 này có khoảng 60 - 70ha cam Canh cho thu hoạch” - ông Cường thông tin.
Ông Cường không khỏi tự hào, bởi cây cam chính là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con xã viên. “So với các cây trồng khác, cam là cây mang lại hiệu quả cao nhất cho nông dân với thu nhập trung bình đạt từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt hơn 2 tỷ đồng/ha” – ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam nên từ nhiều năm nay, nông dân Kim An luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu. Đặc biệt từ năm 2012, thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao TP.Hà Nội” của UBND thành phố, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã hỗ trợ xã Kim An xây dựng mô hình thâm canh và sản xuất cam Canh theo hướng VietGAP.
“Trong 2 năm triển khai dự án thâm canh cây cam đường tại Kim An, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, người trồng cam ở Kim An đã thực hiện thành thục quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây cam canh Kim An không chỉ tăng năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều” - ông Cường cho biết.
Bí thư Đảng ủy xã Kim An Trần Văn Thuấn cho biết, thời điểm này, xã tập trung quảng bá cam đường Kim An trên các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Xã cũng mong muốn được thành phố, Sở NNPTNT tiếp tục quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ thâm canh trên cây cam trong những năm tiếp theo.