Tỷ suất sinh lợi giảm
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2023, Bkav Pro lãi ròng sau thuế 4.4 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng sụt giảm trong những năm gần đây. Qua đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ còn ở mức 2.1%, cùng kỳ năm trước đạt 6.7%.
Vốn chủ sở hữu của Bkav Pro giảm từ 254 tỷ đồng 30/6/2022 còn 207 tỷ đồng tại 30/6/2023. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu giảm trong bối cảnh doanh nghiệp có lãi (năm 2022 lãi hơn 40 tỷ đồng sau thuế) và không ghi nhận thông tin đăng ký giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu tăng từ 138% lên 152% tương đương Nợ phải trả giảm từ 351 tỷ đồng (30/6/2022) xuống còn 315 tỷ đồng tại 30/6/2023.
|
Nguồn: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
|
Tỷ lệ Dư nợ trái phiếu/VCSH mặc dù giảm về số tương đối nhưng nguyên nhân do VCSH giảm, trên thực tế dư nợ trái phiếu không thay đổi.
Trong năm 2022, công ty đã thanh toán gần 9 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu mã BKPCB2124001 (mệnh giá 170 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm bắt đầu tính từ 26/5/2021).
Lô trái phiếu này có lãi suất coupon với năm đầu cố định 10,5%/năm, các năm sau tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 4,5%. Tài sản bảo đảm là hơn 5,44 triệu cổ phiếu Bkav Pro do công ty mẹ Bkav sở hữu (giá trị định giá là 178.125 đồng/cp, tương đương 970 tỷ đồng) và 4,99 triệu cổ phiếu Bkav thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng.
Kỳ thanh toán gần nhất (26/11/2022 - 26/5/2023), Bkav Pro phải thanh toán hơn 10 tỷ đồng tiền lãi 6 tháng cho lô trái phiếu này, tăng hơn 1 tỷ đồng so với kỳ liền trước.
Được biết, khối tài sản đảm bảo gồm 5,443 triệu cổ phần Bkav Pro thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần BKAV. Lượng cổ phần này có giá trị 970 tỷ đồng theo Chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân phát hành ngày 23/4/2021. Ngoài ra còn có 4,9 triệu cổ phần Công ty BKAV do ông Nguyễn Tử Quảng sở hữu.
Bphone vẫn hút khách?
Cuối năm 2021, BKAV ra mắt dòng sản phẩm Bphone A với mức giá khởi điểm chỉ từ 4.49 triệu đồng, đánh dấu việc lần đầu tiên nhà sản xuất smartphone Việt này bước chân vào phân khúc giá rẻ.
Trước đó, năm 2015, Bphone lần đầu tiên được BKAV ra mắt, được định vị là một "Siêu phẩm hàng đầu thế giới", cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ hàng đầu ở thời điểm đó như iPhone 6 Plus hay Samsung Galaxy S6. Mức giá của Bphone khởi điểm ở mức 10 triệu đồng, trong đó cao cấp nhất là phiên bản viền mạ vàng 24K với giá hơn 20 triệu đồng.
Năm 2017, BKAV tiếp tục trình làng phiên bản Bphone 2017 Gold, một lần nữa được BKAV nhận định là "siêu phẩm" và so sánh trực tiếp với iPhone 7 Plus hay Samsung Galaxy S8. Tuy nhiên, BKAV cho biết mẫu máy này không có mặt tại Việt Nam mà chỉ được bán tại thị trường Dubai.
|
Một số dòn sản phẩm Bphone của BKAV |
Cũng kể từ thời điểm 2017, định vị của Bphone đã dần được BKAV điều chỉnh để xa rời với phân khúc cao cấp và tiến gần với phân khúc giá rẻ và tầm trung hơn.
Lần gần đây nhất ra mắt sản phẩm mới, BKAV bán ra điện thoại Bphone A85 5G từ ngày 6/6/2022, với giá bán là 9.490.000 đồng (thuộc phân khúc tầm trung). Tuy nhiên, từ đó đến nay BKAV chưa có thêm thông tin nào về dòng sản phẩm sắp sửa ra mắt, điều này khiến không ít người lo ngại cho tương lai của dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt.
Cuối tháng 8 vừa qua, nhân dịp ngày Quốc khánh 02/09, BKAV giảm giá nhiều mẫu Bphone và tai nghe AirB trong thời gian từ ngày 28/08 đến 10/09. Theo đó, những chiếc Bphone và tai nghe AirB có mức giá: Bphone A40: 1.800.000 VNĐ; Bphone A50: 2.300.000 VNĐ; Bphone A60: 2.700.000 VNĐ; Bphone A85: 6.000.000 VNĐ; Tai nghe không dây AirB Pro: 1.200.000 VNĐ.
Kể từ thời điểm công bố lần đầu vào năm 2015, chưa bao giờ BKAV lại giảm giá Bphone sâu đến vậy. Điều này đi ngược lại với chiến lược của BKAV trước đây, khi CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng từng tuyên bố "Bphone không giảm giá và không cần giảm giá đã hết hàng để bán trước khi ra mắt phiên bản mới".
|
Bphone giảm giá sâu, dòng sản phẩm A40 cháy hàng |
"Mục tiêu của Bphone ở giai đoạn này là định vị thương hiệu smartphone cao cấp Make in Việt Nam, chứ chưa phải là thị phần hay doanh số. Đầu tiên cần làm chủ công nghệ để xóa bỏ định kiến Việt Nam là vùng trũng công nghệ, không sản xuất được những sản phẩm cao cấp. Khi đã làm chủ được công nghệ, Bkav thoả sức đưa sự sáng tạo của mình vào sản phẩm.", trích bài viết của ông Nguyễn Tử Quảng trên MXH vào cuối năm 2020.
Có thể thấy rằng chiến lược của BKAV đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm trở lại đây. Thay vì tập trung vào xây dựng smartphone cao cấp "Make in Việt Nam", BKAV chuyển sang đẩy mạnh vào phân khúc giá rẻ nhằm tăng độ bao phủ trên thị trường. Và để đạt được mức giá rẻ, BKAV đã giao công đoạn quan trọng và tốn kém nhất là thiết kế phần cứng và sản xuất cho đối tác Trung Quốc, và chỉ thực hiện một số công đoạn như phát triển phần mềm, lắp ráp và kiểm thử tại Việt Nam.
Vì vậy, việc BKAV giảm giá Bphone là hoàn toàn phù hợp với chiến lược tăng trưởng thị phần của hãng. Đặc biệt khi theo ông Nguyễn Tử Quảng, BKAV đặt mục tiêu Top 2 thị phần smartphone tại Việt Nam ngay trong năm nay, cho rằng đây là một điều "hoàn toàn khả thi".
Thực tế, chỉ một vài ngày sau khi giảm giá, mẫu Bphone giá rẻ nhất là A40 đã cháy hàng. Đây điều không bất ngờ, bởi Bphone A40 vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ trong cùng tầm giá về trang bị. Ngay cả với Xiaomi, thương hiệu nổi tiếng bởi các sản phẩm "ngon-bổ-rẻ", BKAV cũng tỏ ra lấn lướt. So sánh Bphone A40 với sản phẩm cùng tầm giá của Xiaomi là Redmi A2, không khó để thấy sức hấp dẫn của mẫu smartphone Việt.
|
So với Xiaomi A2, Bphone A40 tỏ ra vượt trội hơn hẳn |
Ngoại trừ Bphone A40, hiện tại các mẫu máy khác của BKAV là Bphone A50, A60, A85 và tai nghe AirB vẫn còn hàng và được cho là sẽ tiếp tục được giảm giá trong những ngày tới.