Tuy nhiên, những vụ việc lừa đảo, “chặt chém” du khách quốc tế đã và đang khiến dư luận bức xúc và không ít “thượng đế” quay lưng với du lịch Thủ đô. Nhóm phóng viên đã nhập vai điều tra nhằm lật tẩy những chiêu trò “chăn” khách quốc tế; đồng thời, tìm những giải pháp căn cơ giúp làm sạch môi trường du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Chiêu cướp khách của “Biệt đội chăn Tây”
Nhiều ngày đi trông khách Tây cho tài xế taxi của một khách sạn trong khu phố cổ Hà Nội, phóng viên đã “lật tẩy” những chiêu trò lừa đảo, chèo kéo, cướp khách của “Biệt đội chăn Tây” trong Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Cảnh giác vẫn “sập bẫy”
Đúng 11 giờ đêm ngày 7/8, tôi và Thành – tài xế cho một khách sạn trên phố Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có mặt ở Sân bay Quốc tế Nội Bài đón anh Chandan, người Ấn Độ. Như thường lệ, Thành dặn tôi, nhớ chỉ được cầm biển ghi tên khách đứng ở hành lang phía ngoài, không cầm biển tên vào bên trong sảnh đón khách. Thành phàn nàn: “Từ khi sân bay có quy định này, taxi “dù” càng có “đất” hoành hành. Nhiều hôm, em không gặp được khách vì “cò” vào bên trong hớt tay trên”.
|
Chiếc xe 16 chỗ ''cướp'' du khách Chandan ngay trước mắt chúng tôi tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. |
Đúng như Thành lo ngại, Chandan đã “sập bẫy” theo cách như vậy. Chandan kể lại, khi đang di chuyển ra cửa, một người đàn ông khoảng 25 tuổi, dáng thấp, hơi mập, tiến đến phía anh hỏi muốn về đâu. Biết Chandan về khách sạn trên phố Hàng Bồ, gã mừng ra mặt, và nhận mình chính là lái xe của cơ sở lưu trú này. Sau đó, gã giới thiệu về khách sạn, đường đi, thâm niên lái xe đã được 5 năm..., khiến vị khách Ấn Độ tin tưởng tuyệt đối.
Gần về đến khách sạn, gã tài xế thông báo Chandan phải trả thêm 30 USD cho chuyến đi, mặc cho khách ra sức chứng minh đã chuyển tiền xe đưa đón kèm tiền thuê phòng. “Ban đầu, tôi không trả tiền, lập tức tài xế thay đổi thái độ, không mở cửa xe. Tôi rất sợ”, Chandan kể lại. Không chỉ vậy, dù phải trả thêm số tiền gấp ba lần cước taxi thông thường, nhưng Chandan vẫn phải đi ghép xe với hai người khác.
Trước đó, khi “thợ săn” dẫn Chandan từ sảnh ra xe, tôi và Thành thấy vị khách quốc tế rất giống với người trong ảnh gửi cho khách sạn. Chúng tôi giật mình, đoán rằng, vị khách này đã bị “sập bẫy”. Tôi và Thành cố rượt đuổi nhưng không kịp.
Tôi yêu cầu Thành lấy xe để đuổi theo, nhưng với kinh nghiệm sau nhiều lần bị cướp khách, Thành đáp: “Đuổi theo cũng chẳng ích gì. Xe “dù” thường phóng nhanh, vượt ẩu, trả khách cách khách sạn cả trăm mét... không biết đâu mà tìm. Gặp lại bọn chúng trên sân bay, tụi em cũng không ai dám ho he nửa lời. Bởi, “Biệt đội chăn Tây” chơi theo hội, nhà họ gần sây bay, nếu mâu thuẫn, mình chỉ có thiệt”.
Tôi đi trông khách Tây
Trước sự việc này khoảng hai tuần, Thành thường xuyên bị cướp khách ở Sân bay Quốc tế Nội Bài nên đã nhờ tôi đi trông khách Tây vào ban đêm hoặc sáng sớm, thời điểm lực lượng an ninh sân bay thưa thớt - đây chính là thời cơ vàng cho “biệt đội săn Tây” hoạt động.
|
Khu vực các hướng dẫn viến, tài xế giơ biển tên đón khách nước ngoài tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. |
Nhờ vậy, tôi được chứng kiến hoàng loạt “kỹ nghệ chăn Tây” của các tài xế taxi “dù”. Có khoảng hơn chục tay “thợ săn Tây” hoạt động thường xuyên tại khu vực Sân bay Quốc tế Nội Bài, mỗi người đều có một xế hộp riêng, không có logo, biển hiệu. “Mồi ngon” của chúng là các du khách nước ngoài vừa đáp chuyến bay, chuẩn bị về khách sạn. Mỗi phi vụ “chăn Tây” sẽ có hai “thợ săn” phối hợp nhịp nhàng. “Cò trong” túc trực ở sảnh đón khách ghi nhớ biển tên trên tay các hướng dẫn viên hoặc tài xế.
Du khách Chandan cho biết: Tôi rất háo hức được khám phá Việt Nam, nhưng thật thất vọng vì vừa đến Hà Nội, đã bị lừa dối và chặt chém. Tôi nghĩ mình cần đề cao cảnh giác và tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi sử dụng các dịch vụ tại đây. Bởi, sự việc vừa qua khiến tôi có cảm giác, tất cả mọi người đều có thể là kẻ dối trá.
Khi hướng dẫn viên hoặc tài xế đón được đúng người, họ không thể yêu cầu khách đi bộ với đồ đạc lỉnh kỉnh ra bãi xe cách khá xa, nên buộc phải để các “thượng đế” đứng đợi ở khu vực chờ xe, rồi ra bãi đánh xe vào đón. Lúc này, “cò trong” điện thoại báo lịch trình, tên “con mồi”, tên khách sạn ghi trên tấm biển ban nãy cho thợ săn bên ngoài lái xe đến gần khu vực khách đang đứng để mời chào. “Cò ngoài” sẽ giới thiệu là “người của công ty du lịch” hoặc “người của khách sạn” đến đón khách, vì lái xe vừa nãy bị ốm, hỏng xe, hỏng lốp… Trong lời mời, “cò” đọc đúng tên “con mồi”, cơ sở lưu trú nên hầu hết khách Tây đều “sập bẫy”. Thông thường, khách Tây phải trả 14 USD (khoảng 300.000 đồng) cho quãng đường từ sân bay Nội Bài về khu phố cổ, nhưng rơi vào tay “Biệt đội chăn Tây”, họ sẽ phải thanh toán với “giá trên trời”.
Tài xế xích lô ngã giá
Ở một diễn biến khác, gần 12 giờ trưa thứ Bảy (ngày 11/8), trong vai một nữ du khách quốc tế, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã bị một tài xế xích lô biển số 29XL 0089 chặt chém 200.000 đồng cho quãng đường 1,2km.
Đầu tiên, người lái xích lô đưa ra tấm bản đồ để tôi chỉ vị trí mình muốn đến. Tôi bảo anh ta đưa tới số 95 số Hàng Bông. Người này di chuyển tầm 50m thì dừng lại, chỉ vào điện thoại và ra hiệu sẽ chụp ảnh giúp. Anh ta khá có nghề khi chụp cho tôi một bức chụp dọc toàn thân cùng xe xích lô, bức còn lại lấy khung hình ngang có cả tháp Rùa.
Giữa trưa nắng gắt, đoạn đường 1,2km từ nhà hàng Lục Thủy (số 16 Lê Thái Tổ tới số 95 Hàng Bông) khá vắng, chỉ mất khoảng 8 phút di chuyển. Tôi xuống xe, rút ví hai tờ 500.000 đồng và một tờ 100.000 đồng giơ lên hỏi: “How much?” (bao nhiêu tiền- PV); tài xế chỉ vào tờ 500.000 đồng và định lấy nó từ tay tôi. Tôi giằng lại, nói: “No, no” và đưa tờ 100.000 đồng cho anh ta. Tài xế lắc đầu, khuôn mặt hiền hậu, cười tươi lúc ban đầu bỗng trở nên cau có. Anh ta xua tay, đòi 500.000 đồng. Tôi vẫn chỉ đưa 100.000 đồng.
Sau đó, anh ta có vẻ khó chịu, xuống xe, móc ví trong túi quần, lấy ra 2 tờ 100.000 đồng đưa cho tôi và bảo tôi đưa tờ 500.000 cho anh ta. Tôi không đồng ý. Anh ta tiếp tục móc thêm 1 tờ 100.000 đồng nữa, và kiên quyết đòi 200.000 đồng. Chỉ khi tôi đưa tờ 500.000 và nhận lại 300.000 đồng, anh ta mới chịu buông tha. Đến giờ, khi nhớ lại hình ảnh đó, tôi vẫn thấy tức giận.
Không chỉ bị tài xế taxi, xích lô chặt chém, tình trạng bán hàng rong chèo kéo phân biệt giá khách Tây – khách ta trong khu phố cổ cũng tồn tại.
Trong kỳ 2, nhóm phóng viên báo Kinh tế và Đô thị sẽ đóng vai du khách quốc tế để lật tẩy thủ đoạn của những “con sâu làm rầu nồi canh”.