4 mẹo để quản lý tài chính thông minh cho tuổi ngoài 40

Google News

Để không vung tay quá đà, hãy theo dõi chi tiêu hằng tháng của bản thân và gia đình bằng cách ghi chép hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ kiểm soát tài chính.

Tuổi 40 trở đi là giai đoạn chúng ta ổn định về gia đình, sự nghiệp và tài chính. Nhưng cuộc đời không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra ngày mai và làm ảnh hưởng tới tài chính của chúng ta như thế nào. Vì vậy, để chuẩn bị cho tương lai bền vững, khi bước sang tuổi 40, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới những mục tiêu dài hạn để xây dựng một nguồn tài chính ổn định. Chia sẻ về điều này, chị Bùi Kim Oanh đã áp dụng những phương pháp sau:
4 meo de quan ly tai chinh thong minh cho tuoi ngoai 40
 Chị Bùi Kim Oanh.
Không phát sinh nợ mới, trả dần các khoản nợ cá nhân
Đừng nghĩ rằng khi nguồn tài chính của chúng ta ổn định, có phần dư dả thì nợ vài ba chục triệu đồng rồi trả đâu có ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Khi chúng ta bị món nợ chi phối, đồng nghĩa với việc chúng ta không có khả năng để tham gia các cơ hội đầu tư, tiết kiệm và quan trọng hơn cả, nó sẽ khiến bạn ngày càng khó đạt được mục tiêu tài chính như dự kiến. Vì vậy, theo chị Oanh, trong trường hợp cần thiết, chị sẽ chuyển các khoản nợ thành khoản vay cá nhân thay vì vay tiêu dùng; đồng thời chuyển sang dùng thẻ tín dụng APR với tỷ suất lợi nhuận 0% trong 14 tháng đầu. "Khi bước sang tuổi 40, chúng ta hạn chế tối đa phát sinh nợ mới và có kế hoạch trả hết các khoản nợ tài chính cá nhân, nếu có, trong thời gian ngắn nhất", chị Oanh chia sẻ.
Có quỹ dự phòng khẩn cấp
Chỉ có một số ít người không phải đối mặt với những khoản chi phí bất ngờ như: bị sa thải, ốm nặng… Nếu trong các trường hợp này, không có nguồn quỹ dự phòng, chúng ta sẽ rơi vào cảnh lao đao, nợ nần. Do vậy, bạn nhất thiết phải xây dựng cho mình một quỹ dự phòng khẩn cấp để đảm bảo tài chính trong ít nhất 3-6 tháng và tốt nhất là 1 năm. Đây là nguồn quỹ mà bạn không bao giờ được lạm dụng cho chi tiêu, chỉ để dành cho những trường hợp bất trắc xảy ra.
Tự chuẩn bị "nguồn lương hưu cho bản thân"
Nếu đi làm ở cơ quan, chúng ta sẽ có một nguồn lương hưu. Tuy nhiên, nguồn lương hưu hàng tháng thường chỉ đủ cho chúng ta duy trì các hoạt động chi tiêu đời sống hàng ngày. Vì vậy, để có được nguồn tài chính "dễ thở" khi về hưu, chúng ta phải tự chuẩn bị cho mình nguồn lương hưu (đặc biệt là đối với những người về già không có nguồn lương hưu từ ngân sách). Có nhiều cách để xây dựng nguồn lương hưu cho bản thân như gửi tiết kiệm hàng tháng, mua bảo hiểm, tích luỹ cá nhân…
Kiểm soát các khoản chi tiêu
Đừng nghĩ rằng chúng ta ở tuổi này rồi thì thừa khả năng kiềm chế bản thân, chủ động nguồn tài chính. Rất có thể, một cơn nổi hứng, một lệnh chuyển tiền khi đi mua sắm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính cố định của mình. Để không vung tay quá đà, hãy theo dõi chi tiêu hằng tháng của bản thân và gia đình bằng cách ghi chép hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ kiểm soát tài chính trên điện thoại thông minh của mình.
Với nguồn tài chính sau nhiều năm tích luỹ, bạn không phải quá băn khoăn trước những món đồ mình yêu thích nhưng vẫn cần cân nhắc trước khi quyết định mua nó: Liệu nó có thực sự cần thiết không hay "có cũng được, chẳng có cũng không sao"? Chỗ này giá cả đã hợp lý chưa? Để chậm lại một nhịp suy nghĩ thêm, ngày mai, ngày kia hẵng mua sau… Làm như vậy, dần dần, chúng ta sẽ tự hạn chế những nhu cầu mua sắm ngẫu hứng của bản thân.
"Chúng ta không phải quá khắt khe với bản thân. Hãy yêu và chi tiêu tài chính vì bản thân nhiều hơn nhưng phải hợp lý, ắt chúng ta sẽ tạo được nền móng để xây dựng nguồn tài chính cho tương lai", chị Oanh bày tỏ.
Theo Song Nghi/Phụ Nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)