Cuối năm là thời điểm hàng loạt các cửa hàng, thương hiệu giảm giá mạnh để kích cầu. Đó cũng là thời điểm mà chị em nằm trong vòng xoáy mua sắm cho một cái Tết đủ đầy. Thế nhưng cùng với đó là hàng loạt những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khiến các chị em "sụp hố". Đây là những chiêu lừa thường gặp nhất mà bạn cần nắm rõ để không trở thành một nạn nhân của những cú lừa này.
Chương trình tri ân khách hàng: Tặng quà miễn phí nhưng phí giao hàng cao ngất
Những năm trước có một chiêu lừa đảo rất thường gặp đó là bạn sẽ nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng đã may mắn được lựa chọn trở thành người trúng thưởng một giải thưởng có giá trị lớn lên tới hàng trăm triệu. Bạn sẽ nhận được phần thưởng của mình khi chuyển một khoản phí thuế 10% giá trị giải thưởng khoảng vài triệu đồng.
Chiêu thức này đánh vào tâm lý ham phần thưởng, ham quà của người dùng để lừa tiền, tuy nhiên vì số tiền cũng không nhỏ nên nó nhanh chóng trở thành một biến thể mới. Rất nhiều chị em nhận được cuộc điện thoại hỏi: "Chị từng mua hàng ở shop abc vào khoảng thời gian xyz. Bọn em làm chương trình tri ân cuối năm và dành tặng 10 khách hàng may mắn nhất nhận được thỏi son/nước hoa/... chính hãng có giá 1 - 2 triệu đồng. Chị chỉ phải trả cho bên em phí vận chuyển là từ 50 - 150.000 đồng".
|
Bộ mỹ phẩm rởm được gửi tới khiến nhiều chị em ngậm đắng nuốt cay |
Để có một món hàng tiền triệu mà chỉ phải bỏ ra số tiền rất nhỏ, nhiều chị em đã nhẹ dạ đồng ý nhận quà, để rồi khi quà đến tay thì giá trị chẳng bằng số tiền bỏ ra. Dù được quảng cáo là son, nước hoa giá cả triệu đồng nhưng khi mở ra chỉ toàn hàng giả, hàng nhái và chất lượng kém.
Một dạng lừa đảo tương tự khác đó là bên shop sẽ đưa ra một minigame vô cùng dễ, thường là dạng trả lời câu hỏi và làm theo những yêu cầu đơn giản là được nhận quà. Đến khi khách nhận hàng mới thấy phí ship đội lên cao hơn bình thường gấp vài lần còn "quà" có chất lượng không thể kém hơn thì mới nhận ra mình đã bị lừa.
Kiểu lừa đảo này là do thông tin mua hàng của chúng ta bị mua bán, trao đổi và rơi vào tay những đối tượng xấu. Chúng tạo niềm tin cho chúng ta bằng cách đưa ra những thông tin như tên shop chúng ta từng mua hàng, thời điểm mua hàng, khiến chúng ta tin rằng đó là shop mình từng ghé thăm thật mà không ngờ đó chỉ là bọn lừa đảo đã có được thông tin của chúng ta.
Lời khuyên: Đối với chiêu lừa này, chúng ta cần thẳng thắn từ chối dù lời mời chào hấp dẫn đến đâu. Mặt khác, cần chú ý mua hàng ở những shop có uy tín nhằm tránh mất mát thông tin.
Những shop ăn cắp ảnh thật và bán hàng nhái
Kiểu lừa đảo này vô cùng phổ biến và thường gặp khi chúng ta mua hàng online. Thậm chí đã từng có nhiều chị em cay đắng khi nhận được hàng khác xa so với trên ảnh. Các shop này thường ăn cắp hình ảnh thật của những shop uy tín khác, thậm chí nhái cả logo khiến khách hàng như rơi vào ma trận mà không phân biệt được thật giả.
Nhưng chiêu lừa này có lẽ chỉ qua mắt được những chị em chưa có kinh nghiệm mua sắm.
Lời khuyên: Bạn hoàn toàn có thể đề phòng bằng cách khảo giá ở những shop khác nhau với những sản phẩm tương tự. Đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của những người từng mua sản phẩm đó. Một số shop lừa đảo thường ẩn phần đánh giá shop thì đó cũng là một nơi bán hàng không đáng tin.
Thông tin đơn hàng bị lộ, hàng giả được tráo với hàng thật
Đây là chiêu thức lừa đảo đánh vào lợi ích của cả khách hàng lẫn người bán. Gần đây, một số khách hàng và các chủ shop trên các kênh thương mại điện tử đều chia sẻ rằng thông tin đơn hàng bị lộ. Có những đơn hàng ở trạng thái "Chờ xác nhận" nhưng khách đã nhận được cuộc gọi báo giao hàng. Những shipper này đọc vanh vách tên shop, sản phẩm gì, có đầy đủ thông tin liên lạc và vận chuyển COD (nhận tiền khi giao hàng) nhanh như chớp.
Khách hàng do không có tâm lý đề phòng nên thản nhiên trả tiền, nhận hàng, nhưng khi mở ra thì mới tá hỏa vì sản phẩm bên trong toàn là đồ kém chất lượng, thậm chí là những món đồ chẳng liên quan. Khi liên hệ với shop thì càng hoang mang hơn vì chủ shop chưa gửi hàng đi mà khách đã nhận được rồi. Đây là một kiểu lừa đảo mới xảy ra với các đơn hàng ship COD, còn những đơn được thanh toán trước thì không có vấn đề gì.
Lời khuyên: Với kiểu lừa đảo này, cách duy nhất mà khách hàng có thể làm đó là kiểm tra kỹ đơn hàng của mình là do đơn vị vận chuyển nào thực hiện, luôn theo dõi tình trạng đơn hàng. Nếu thấy shipper không mặc đồng phục của đơn vị vận chuyển thì phải đề phòng, có thể kiểm tra hàng trước khi trả tiền.