Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau như trao đổi buôn bán, quảng cáo sản phẩm, thông báo trúng thưởng, mạo danh đòi nợ giúp ngân hàng… để lừa lấy thông tin và truy cập vào tài khoản Internet Banking của người dùng.
Đặc biệt, đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm đến nhiều nhất thường là người cao tuổi và người kinh doanh online. Bởi người cao tuổi thường không nắm rõ về các ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, còn người kinh doanh online thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình trên các trang mạng xã hội.
Trao đổi với chị Ngọc Hà, chủ một đại lý bán hải sản tại Hà Nội, chị cho biết vừa rồi cũng bị một đối tượng lừa lấy tài khoản Internet Banking. Đối tượng này dùng một tài khoản Facebook giả nhắn tin mua hàng với số lượng lớn vào trang FanPage bán hàng của chị Hà.
|
Đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm đến thường là người cao tuổi và người kinh doanh online |
“Đối tượng đó nói với tôi là hiện đang lao động ở nước ngoài, đặt một đơn hàng hải sản lớn của tôi để chuyển về cho gia đình làm giỗ. Có thông tin tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ của người nhận ở Trần Duy Hưng, Hà Nội. Tôi có vào xem thử trang Facebook cá nhân này thấy nhiều comment nói chuyện qua lại của chủ trang Facebook đó với người nhà thì đúng là chủ Facebook đang lao động ở nước ngoài thật. Có thể các đối tượng “hack” tài khoản Facebook của những người đang đi lao động ở nước ngoài để tăng độ uy tín khi đi lừa đảo”, chị Hà cho biết.
“Sau khi báo giá, chốt đơn, đối tượng bảo đang ở ngân hàng và chuyển tiền cho tôi qua Western Union, rồi tôi nhận được tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi tôi vào thấy website này có giao diện khá giống với website của ngân hàng Techcombank, có số hotline trùng với số hotline của ngân hàng. Thêm vào đó, đối tượng liên tục gọi điện từ 1 số máy nước ngoài về giục tôi làm tôi không kịp suy nghĩ, hướng dẫn tôi đăng nhập, bảo vì đang ở ngân hàng, không có nhiều thời gian chờ tôi gọi điện hỏi ngân hàng ở Việt Nam”, chị Hà chia sẻ.
|
Các đối tượng sẽ gửi tin nhắn có link truy cập vào website ngân hàng giả mạo |
Theo đó, khi chị Hà truy cập vào trang website giả mạo thì được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, và ngay lập tức nhận được thông báo hủy mã OTP đang sử dụng, đồng thời mã OTP tài khoản internet banking của chị đang được kích hoạt trên một máy điện thoại khác. Biết bị lừa, chị đã gọi điện ngay đến số hotline của ngân hàng để khóa tài khoản.
Tương tự như chị Hà, anh Hoàng Linh (Đội Cấn, Hà Nội) khi đăng tin cho thuê nhà lên một số trang mạng cũng có đối tượng người Việt liên lạc qua Facebook, nói là đang làm việc tại Philippines, sắp tới về Hà Nội sinh sống, muốn thuê lại nhà của anh. Đối tượng này chuyển khoản tiền thuê nhà và tiền đặt cọc cho anh qua Western Union, yêu cầu anh vào link website mà đối tượng gửi đăng nhập thông tin tài khoản để nhận tiền.
Trao đổi với chị Thu Trang, giao dịch viên của một chi nhánh ngân hàng Techcombank tại Hà Nội, chị cho biết, gần đây đã có rất nhiều trường hợp khách hàng đến ngân hàng thông báo bị lừa mất tài khoản internet banking. Đặc biệt, các hành vi lừa đảo thường diễn ra vào ngày nghỉ vì phòng giao dịch của ngân hàng không làm việc.
“Các đối tượng thường lừa khách hàng giao dịch một đơn hàng lớn, nhiều tiền, hoặc gửi tặng quà giá trị kinh tế lớn, khiến khách hàng chủ quan. Đã có trường hợp một cô lớn tuổi bị lừa mất 80 triệu đồng. Trong trường hợp đó, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ phối hợp với công an để điều tra sự việc chứ không thể lấy lại tiền cho khách hàng”, chị Trang cho biết.
Cũng theo chị Thu Trang, website chính của các ngân hàng thường bao gồm tên ngân hàng và đuôi “.com.vn”, các đuôi như “weebly.com” là giả mạo. Bên cạnh đó, khi tài khoản của khách hàng nhận tiền gửi từ nước ngoài về, khách hàng cần trực tiếp mang chứng minh thư đến chi nhánh gần nhất của ngân hàng đó nhận tiền, chứ không thể nhận qua bất cứ đường link hay trang website nào khác.