|
Con cá mập miệng to dạt bờ Philippines hồi tuần trước |
Một con cá mập miệng to dài 4,6m vừa dạt vào bãi biển ở Negros Oriental, Philippines, tờ Daily Star đưa tin.
Đây là loài cá mập cực kỳ hiếm và ít khi được nhìn thấy. Người dân địa phương lo ngại rằng việc cá mập dạt vào bờ có thể là dấu hiệu của một sự kiện chết chóc sắp xảy ra.
Dân làng Paulino Ocana nói: "Đây là một điềm báo. Tôi có cảm giác một điều gì đó rất xấu sắp đến. Một thảm hoạ lớn có thể xảy ra và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó".
Ngư dân Peter Ramirez kể: "Con vật này đã chết. Mọi người cố gắng cứu nó nhưng nó có thể đã bị thương từ trước. Một số người rất sợ hãi”.
Trên thế giới, có 66 bản báo cáo ghi nhận có người nhìn thấy loài cá mập miệng to này. Trong đó, chỉ 60 vụ được xác nhận.
Loài cá mập này có thể phát triển đến 5,2 mét và có tuổi thọ tới 100 năm. Loài cá sống dưới biển sâu từng được nhìn thấy ở Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.
|
Loài cá mập này có thể phát triển đến 5,2 mét và có tuổi thọ tới 100 năm |
Xác cá chết từng trôi dạt vào bờ trước khi xảy ra một vài thiên tai kinh hoàng.
Ở Nhật Bản, cá oarfish (hay còn được gọi là rồng biển) được tin là điềm báo của sóng thần hoặc một trận động đất lớn. Ngay trước trận động đất và sóng thần ở Tohoku năm 2011, khoảng 20 cá oarfish đã dạt vào khu vực này.
Vào năm 2017, một trận động đất xảy ra ở Surigao, Philippines, chỉ hai ngày sau khi xác một con oarfish được cư dân tìm thấy ở vùng ven biển.
Nhà địa chấn học người Nhật Bản Kiyoshi Wadatsumi cho biết: "Những sinh vật biển sâu rất nhạy cảm với bất kỳ hoạt động bất thường nào ở đáy biển. Sự xuất hiện của những sinh vật này ở vùng nước nông cho thấy một điều gì đó đang xảy ra ở dưới biển sâu”.
Các quan chức về thủy sản của Philippines đang điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của con cá mập miệng to.
Tiến sĩ Alessandro Ponzo, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu động vật có xương sống lớn Philippines, cho biết họ sẽ khám nghiệm tử thi con cá mập trong những ngày tới.
Ông nói: "Chúng ta biết rất ít về loài cá mập miệng to, do đó, các nhà khoa học đang tận dụng từng cơ hội để nghiên cứu nó. Đây là mẫu thứ 118 trên toàn cầu và mẫu thứ 20 ở Philippines".