|
Một số cây được trồng bởi các phi hành gia Thần Châu 16 của Trung Quốc trên trạm vũ trụ Thiên Cung của quốc gia. (Ảnh: CCTV+)
|
Các phi hành gia Thần Châu 16 của Trung Quốc đã trồng rau trên trạm vũ trụ Thiên Cung, như một phần của kế hoạch thám hiểm không gian sâu trong tương lai.
Chỉ huy sứ mệnh Jing Haipeng và các phi hành gia tân binh Zhu Yangzhu và Gui Haichao đã ở trên trạm vũ trụ Thiên Cung từ cuối tháng 5 và trở về Trái đất vào ngày 31/10, sau khi bàn giao quyền kiểm soát trạm vũ trụ này cho phi hành đoàn Thần Châu 17 mới đến.
Jing và các đồng nghiệp đã dành thời gian trồng rau bằng hai bộ thiết bị chuyên dụng. Khu vực trồng rau đầu tiên bắt đầu vào tháng 6 và đã thu hoạch được 4 mẻ xà lách. Khu thứ hai được đưa vào hoạt động vào tháng 8 để trồng cà chua bi và hành lá.
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phi hành gia Trung Quốc cũng đã thiết lập các bản sao trên Trái đất, cho phép các nhà nghiên cứu so sánh kết quả và phân tích chính xác hơn sự khác biệt trong cách thực vật phát triển trong không gian và trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ việc khám phá không gian sâu.
"Thiết bị trồng rau này là một phần quan trọng của toàn bộ Hệ thống hỗ trợ sự sống và kiểm soát môi trường [ECLSS], và nó được sử dụng trong không gian để xác minh các công nghệ liên quan. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung vào canh tác nhanh và quy mô lớn,"Yang Renze, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phi hành gia Trung Quốc, chia sẻ trên CCTV.
Yang cho biết: “Hệ thống này có thể được áp dụng cho lĩnh vực thám hiểm không gian sâu, bao gồm cả các sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng và sao Hỏa của phi hành đoàn của chúng tôi”.
"Là một phần quan trọng của ECLSS, cây trồng từ thiết bị trồng trọt có thể hấp thụ carbon dioxide trong không khí để tạo ra oxy trong quá trình quang hợp, sau đó tái tạo và làm sạch nước bằng sự thoát hơi nước."
Trung Quốc đang nỗ lực đưa hai phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030. Họ cũng đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng, được gọi là Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), trong thập kỷ tới.
Việc hạ cánh của phi hành đoàn Trung Quốc lên Sao Hỏa còn xa hơn nhiều, nhưng Hành tinh Đỏ này đã được ghi nhận là điểm đến trong tương lai của các chuyến bay vũ trụ của Trung Quốc.