|
Tiểu hành tinh kích thước bằng một chiếc Boeing 737-500 sẽ bay sượt qua Trái đất vào ngày 16.8
|
Vào ngày 16.8, tiểu hành tinh 2022 PW sẽ đi qua Trái đất ở khoảng cách 1,4 LD (Lunar distance - khoảng cách Mặt trăng). Theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất (CNEOS) của NASA, 2022 PW đang di chuyển với tốc độ khoảng 27.358 km/h và có chiều ngang từ 22-30 mét. Kích thước này gần bằng một chiếc Boeing 737-500 hoặc một con cá voi xanh.
Phép đo 1,4 LD đặt tiểu hành tinh cách chúng ta khoảng hơn 530.000 km tại điểm gần nhất của nó vào ngày 16.8. Khoảng cách này trông có vẻ rất lớn, nhưng về mặt không gian thì tiểu hành tinh thực sự rất gần Trái đất. Hành tinh láng giềng gần nhất của Trái đất là sao Kim, vẫn cách xa chúng ta hơn 61 triệu km.
May mắn thay, Trái đất không gặp nguy hiểm từ tiểu hành tinh 2022 PW mặc dù nó ở rất gần. Theo Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh của NASA, “không có tiểu hành tinh nào được biết đến có nguy cơ tác động đáng kể với Trái đất trong vòng 100 năm tới”.
Khoảng cách Mặt trăng (ký hiệu: LD), hay khoảng cách đặc trưng Trái đất - Mặt trăng, là một đơn vị đo khoảng cách trong thiên văn học. Nói một cách chính xác hơn, nó bằng độ dài bán trục lớn của quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất. Khoảng cách Mặt trăng xấp xỉ 400.000 km, bằng khoảng 30 lần đường kính Trái đất. Một đơn vị thiên văn ít hơn một chút so với 400 lần khoảng cách Mặt trăng.
Các tiểu hành tinh, đặc biệt là những tiểu hành tinh đi qua gần Trái đất, vẫn được giới khoa học quan tâm nhiều ngay cả khi chúng không gây rủi ro cho hành tinh chúng ta. Nghiên cứu các tiểu hành tinh cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của hệ Mặt trời, vì họ cho rằng các hành tinh được hình thành từ sự kết tụ của những tảng đá nhỏ hơn như tiểu hành tinh.
|
Nghiên cứu các tiểu hành tinh cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của hệ Mặt trời
|
Trong lúc quay quanh Mặt trời, các tiểu hành tinh đôi khi thực hiện những chuyến “tiếp cận gần” theo góc nhìn của các nhà thiên văn, nhưng thực tế nó vẫn cách xa Trái đất gấp nhiều lần so với Mặt trăng.
Những vật thể như vậy được gọi là vật thể gần Trái đất (NEO). Cho đến nay, hơn 29.000 NEO đã được phát hiện, phần lớn trong số đó là các tiểu hành tinh. Một số NEO đáp ứng các tiêu chí nhất định cũng được phân loại là “tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm” (PHA).
PHA được xác định dựa trên kích thước của một tiểu hành tinh cũng như khả năng xảy ra các cuộc “tiếp cận gần” có thể đe dọa đến Trái đất. Các tiểu hành tinh cách xa Trái đất hơn 7,5 triệu km hoặc có đường kính dưới 152 mét không được coi là PHA. Theo CNEOS, hơn 2.260 NEO được phân loại là PHA nhưng không có NEO nào có cơ hội va chạm với Trái đất trong thế kỷ tới hoặc lâu hơn.
|
Các vật thể gần Trái đất (NEO) có thể gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm với hành tinh chúng ta
|
Giám đốc CNEOS Paul Chodas cho biết: “Tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm chỉ đơn giản có nghĩa là trong nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ, quỹ đạo của nó có thể phát triển thành quỹ đạo có khả năng tác động đến Trái đất. Chúng tôi dự đoán rằng còn khoảng vài nghìn PHA khác chưa được phát hiện”.
Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo. Khả năng xảy ra một vụ va chạm với tiểu hành tinh có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng đó là điều mà các chuyên gia đang lên kế hoạch nghiêm túc.
Bảo vệ Trái đất khỏi tác động của một tiểu hành tinh là cơ sở của nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng Tiểu hành tinh đôi (DART) của NASA được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái. Thử nghiệm này sẽ chứng minh công nghệ có khả năng thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh trong không gian.
Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới.
Một cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.
Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Cựu Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine khi đó cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.