Các mảnh hóa thạch lạ được khai quật tại khu vực Patagonia ở Argentina vừa giúp giới cổ sinh vật học xác định không chỉ một loài mà cả một chi khủng long mới. Đó là loài Koleken inakayali, thuộc chi Furileusauria.
Loài này sống vào thời điểm 69 triệu năm trước, tức gần cuối kỷ Phấn Trắng, chỉ 3 triệu năm trước khi thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub xóa sổ toàn bộ khủng long, dực long, thương long, ngư long...
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bernardino Rivadavia Argentina và Hội đồng Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật Quốc gia Argentina, loài mới này thuộc về một nhóm khủng long lớn hơn, gọi là Abelisauridae.
Abelisauridae là họ hàng xa của khủng long bạo chúa T-rex, vốn đã được phân nhánh từ giữa kỷ Jura.
Vì vậy, dáng dấp quái thú mới có nhiều nét tương đồng với T-rex và mang đặc trưng của khủng long chân thú nói chung, bao gồm cặp chân sau chắc khỏe và "đôi tay" bị teo nhỏ.
Koleken inakayali có lẽ là một trong những con có "tay" bị teo nặng nề nhất trong dòng họ này, với hình ảnh mô tả cho thấy chúng chỉ còn như hai rẻo thịt thừa.
Tuy vậy, phần hóa thạch được tìm thấy của Koleken inakayali, gồm một số xương sọ, các chi sau gần như hoàn chỉnh và các bộ phận xương khác, đủ cho thấy nó là một quái thú ăn thịt nguy hiểm, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Cladistics.
Hóa thạch được tìm thấy trong Hệ tầng La Colonia tại khu vực Cerro Bayo Norte, phía Đông Sierra de La Colonia, thuộc tỉnh Chubut, Patagonia - Argentina.
Toàn bộ khu vực Patagonia này vốn tập trung rất nhiều loài quái thú cổ xưa, bao gồm những khủng long ăn cỏ, các loài bò sát, động vật có vú, lưỡng cư khác.
Trước đó, một loài họ hàng gần khác của Koleken inakayali là Carnotaurus sastrei cũng đã được tìm thấy tại La Colonia.
Phát hiện này giúp củng cố thêm các bằng chứng cho thấy Abelisauridae là nhóm khủng long chân thú phong phú nhất trong giai đoạn cuối kỷ Phấn Trắng, xuất hiện ở tất cả các vùng thuộc siêu lục địa phía Nam Gondwana, ngoại trừ Nam Cực và châu Đại Dương.