Phạm Văn Khánh: Từ học trò nghèo đến “hacker mũ trắng” hàng đầu thế giới

Google News

Từ một cậu học trò nghèo, ước mơ có được một chiếc máy tính cho riêng mình cũng là xa xỉ, Phạm Văn Khánh đã trở thành một chuyên gia bảo mật an ninh mạng hàng đầu với 3 lần lọt top 100 "hacker mũ trắng" thế giới.

Từ cậu học trò nghèo đến chuyên gia hàng đầu an ninh mạng
Năm 2010, cái tên Phạm Văn Khánh đã được nhiều bạn trẻ biết đến như một tấm gương về sự vượt khó khi trở thành thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 29,5.
Phạm Văn Khánh sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo của thôn An Cư, Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, thu nhập gia đình chỉ trông vào vài mẫu ruộng. Từ khi bố bị bệnh tâm thần phân liệt, hoàn cảnh gia đình lại càng ngặt nghèo khó khăn, hầu như mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai tảo tần của mẹ.
Pham Van Khanh: Tu hoc tro ngheo den “hacker mu trang” hang dau the gioi
 Năm 2019 lần đầu tiên Phạm Văn Khánh lọt top 100 chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới do Microsoft vinh danh. Ảnh: Tiền Phong.
Trong khi nhiều bạn bè được tập trung toàn bộ thời gian cho học tập, cậu học trò Khánh mỗi giờ tan học lại chạy thật nhanh về nhà để kịp giờ đi làm thuê, kiếm tiền, đỡ đần cho mẹ.
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, tài sản có giá trị lớn nhất của gia đình Khánh là chiếc tivi Sanyo cũ kỹ. Góc học tập của Khánh ở trong buồng, chỉ có một chiếc bàn nhỏ. Không có giá sách, sách vở của Khánh được đựng trong chiếc thùng tôn dưới chân bàn học và nóc chiếc tủ bên cạnh.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã có lúc Khánh tưởng phải nghỉ học. Vì thế, dù có niềm yêu thích đối với máy tính, nhưng Khánh ít được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ.
Việc trở thành thủ khoa của Trường ĐH Bách khoa đã tựa như một bước ngoặt đối với cuộc đời Khánh. Đặc biệt là lần đầu tiên, Khánh được tặng, sở hữu một chiếc máy tính – điều Khánh khao khát suốt những năm tháng học trò.
Được học đúng ngành mình yêu thích và phát triển trong môi trường tốt, dù xuất phát điểm có phần muộn hơn các bạn bè cùng trang lứa nhưng Khánh đã nhanh chóng “bắt nhịp” được và có những bước tiến.
Năm thứ ba đại học, Khánh đã ứng tuyển, trở thành thực tập sinh tại Viettel, kiếm được tiền đỡ đần gia đình. Tốt nghiệp lớp Cử nhân tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, vượt qua các vòng thi tuyến gắt gao, Khánh trở thành nhân viên chính thức của Vietel.
Được làm đúng việc mình thích, Khánh đã có điều kiện phát huy hết sở trường của bản thân và gặt hái được những thành công.
Liên tiếp trong 3 năm, từ 2019 - 2021, Khánh lọt vào top 100 chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới do Microsoft vinh danh. Trong đó, năm 2020 Khánh đứng thứ 19 ở bảng xếp hạng.
Hàng chục lần Khánh phát hiện các lỗ hổng lớn trên các nền tảng của Microsoft như Microsoft Exchange, Microsoft Dynamic, IIS. Việc này đã giúp Khánh giành chiến thắng góp phần đưa đội Việt Nam đoạt thành tích thứ 4/23 đội tranh tài ở cuộc thi tấn công mạng Pwn2Own 2021. Đây là cuộc thi lớn, có uy tín với sự tham gia của các chuyên gia bảo mật toàn cầu, mức thưởng lên đến hàng triệu USD.
Khánh cũng là người Việt Nam đầu tiên phát hiện ra lỗ hổng bảo mật của Facebook, được Facebook công nhận và trao thưởng 6.000 USD.
Có thể làm được những việc phi thường khi có tình yêu
Hiện tại, Phạm Văn Khánh (SN 1992) là chuyên viên chính phòng An ninh mạng ứng dụng hệ thống, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security -VCS) - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Mỗi ngày, chàng "hacker mũ trắng" này cùng các đồng nghiệp nghiên cứu tìm kiếm, cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin dữ liệu, bảo mật trên các sản phẩm, dịch vụ phần mềm của Tập đoàn, khách hàng và nhiều hãng trên thế giới. Đồng thời thường xuyên có những cuộc diễn tập để tìm ra các “lỗ hổng” của hệ thống giả định.
Pham Van Khanh: Tu hoc tro ngheo den “hacker mu trang” hang dau the gioi-Hinh-2
 “Bạn có thể làm được những việc phi thường khi có tình yêu, niềm đam mê với công việc”, Khánh chia sẻ. Ảnh: Sống đẹp.
Từ một cậu học trò nghèo, việc được sở hữu một chiếc máy tính cũng là ước mơ xa xỉ, thì giờ, Phạm Văn Khánh đã thực hiện được những điều vượt xa khát khao năm nào, đem lại nhiều giá trị cho xã hội.
Việc tìm ra lỗ hổng trên hệ thống email của Microsoft Exchange giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng email Microsoft Exchange tránh được nguy cơ bị hacker có thể chiếm quyền điều khiển của máy tính hay chiếm email, xâm nhập hệ thống.
Khi được hỏi về con đường đưa tới thành công, Khánh cho biết hầu như không có bí quyết gì đặc biệt mà chỉ là “khi đã yêu thì sẽ hết mình”. Khánh mô tả công việc an ninh mạng giống như những bác sĩ, hằng ngày hằng giờ nghiên cứu với mục đích “tìm và chữa đúng bệnh”.
Đây là công việc khó, nhiều áp lực, đòi hỏi sự kiên trì, tập trung và chịu được áp lực, cường độ cao trong công việc, đồng thời phải chấp nhận sự đánh đổi về sức khỏe, thời gian dành cho sở thích cá nhân, gia đình. Nhưng nhờ có đam mê mà Khánh có thể vượt qua được những khó khăn. Nhiều đêm Khánh làm việc xuyên đêm, ăn ngủ tại trụ sở.
“Bạn có thể làm được những việc phi thường khi có tình yêu, niềm đam mê với công việc”, Khánh chia sẻ.
Theo Khánh, an ninh mạng hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có áp lực, cạnh tranh. Tuy nhiên, Khánh không ngại cạnh tranh, ngược lại, còn mong có được điều đó, nhất là với bạn bè quốc tế. Bởi mỗi kết quả họ đạt được sẽ thôi thúc bản thân Khánh không ngừng nỗ lực vươn lên.
Với những thành công trong công việc, Khánh đã nhận được nhiều lời mời tuyển dụng từ các công ty, trong đó có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Khánh đã lựa chọn ở lại, dù biết rằng điều kiện làm việc ở nước ngoài tốt hơn so với ở trong nước.
Bởi theo Khánh, trong lĩnh vực bảo mật, an ninh mạng, ở trong nước vẫn có thể tiếp cận được các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, còn là niềm tự hào khi được đóng góp cho quê hương.
Nếu làm việc tại Việt Nam mà đạt kết quả tầm thế giới thì ý nghĩa hơn, tự hào hơn so với việc ra ngoài nước làm việc và đóng góp cho những công ty nước ngoài”, Khánh chia sẻ.

Chàng “hacker mũ trắng” Phạm Văn Khánh chia sẻ, rất vui đạt được dấu mốc trong công việc khi lọt top 100 do Microsoft công bố, nhưng anh tiếp tục hướng tới mục tiêu cao hơn. “Chẳng hạn như cuộc thi Pwn2Own có mức độ cạnh tranh cao hơn, số lượng giải thưởng ít hơn”, Khánh chia sẻ.

 Mời quý độc giả theo dõi video: "Nhóm hacker Anonymous lớn nhất thế giới kêu gọi xóa TikTok". Nguồn: THDT . 

Nguyễn Mai

>> xem thêm

Bình luận(0)