Sáng chế của ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Nhân Hòa (Hà Nội) được phát triển theo hướng mô phỏng cơ chế tiêu hóa của một số loài động vật. Hệ thống xử lý nguyên liệu của máy có khả năng tự lựa chọn chế độ xử lý nguyên liệu một cách tối ưu.
Do đó, máy có thể gia tăng tốc độ ủ phân mà không cần phải sử dụng loại vi khuẩn đặc hữu, chỉ cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh đang bán trên thị trường, giúp giảm chi phí điện năng, tăng tính phổ dụng của máy, trong khi vẫn giảm thời gian ủ một mẻ phân chỉ từ 16-18 giờ.
|
Giá trị phân hữu cơ vi sinh là giá trị giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường |
Ông Vũ Đình Thịnh cho biết, hiện công ty có 8 model máy ủ phân được thiết kế, phát triển từ sáng chế trên, chia thành 2 dòng sản phẩm: máy ủ phân siêu nhanh và các máy ủ phân thông minh.
Trong đó, mỗi một model máy ủ phân hữu cơ nêu trên thực chất là một nhà máy thu nhỏ, tái chế chất thải thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao, đáp ứng TCVN 7185:2002 về 4 nhóm chỉ tiêu phân hữu cơ vi sinh về thành phần độ ẩm, độ đồng đều, độ hoai, hàm lượng hữu cơ; dưỡng chất đạm, lân, kali trong phân; hàm lượng kim loại nặng dưới mức cho phép; không có vi khuẩn độc hại như E.coli…
|
Máy ủ phân hữu cơ thông minh RCM do ông Vũ Đình Thịnh sáng chế |
Thiết bị có thể sản xuất 100% trong nước với quy mô lớn, giá thành rẻ, chỉ bằng 1/2 giá thành của các sản phẩm tương đương nhập ngoại. Máy không cần sử dụng loại vi khuẩn đặc biệt, nên không cần gia nhiệt trong hầu hết quá trình ủ nguyên liệu, tiết kiệm điện năng. Mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 1/3 máy của nước ngoài tương đương.
Các loại chất thải có thể đưa vào tái chế bao gồm: rác thải đô thị, rác thải gia đình, các phế thải nông nghiệp; phân gia súc, gia cầm; xác động vật...
Máy đã được thử nghiệm tại trạm thu gom rác Đồng Tàu, quận Hoàng Mai (Hà Nội); Trung tâm hỗ trợ dạy nghề nông dân tại Thái Nguyên...
“Theo thống kê, mỗi ngày lượng chất thải hữu cơ thải ra môi trường rất lớn, trong khi các bãi chôn lấp gần như đã lấp đầy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khoẻ người dân. Mục đích chính sáng chế này của tôi là giải quyết vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, sản xuất phân hữu cơ vi sinh phải đảm bảo chất lượng để bán được chứ không để chất đống”– ông Thịnh nhấn mạnh.