Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu phát triển thêm 15,5 triệu m2 sàn nhà ở thương mại và 35.000 căn nhà ở xã hội. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến phát triển 58.000 căn nhà; nhà cho thuê đạt khoảng 11.600 căn; nhà lưu trú công nhân đạt khoảng 8.000 căn.
|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước phát triển nhà ở xã hội dự kiến chiếm khoảng 10% tổng vốn phát triển nhà ở xã hội của TP HCM. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước tương đương khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030, nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua.
Đối với các chương trình mục tiêu như cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở trên ven kênh rạch thì triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được phê duyệt riêng cho từng chương trình.
Tại kỳ họp, HĐND TP HCM cũng thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung chế độ trợ cấp khuyến khích đối với người có trình độ đại học, trên đai học công tác tại phường, xã, thị trấn và trợ cấp trách nhiệm cho cán bộ hưu trí giữ các chức danh Trưởng tổ chức chính trị - xã hội phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP HCM.
Mức trợ cấp khuyến khích với cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách có trình độ đại học công tác tại phường xã, thị trấn là 1 triệu đồng/người/tháng. Có trình độ trên đại học là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Nâng khoản trợ cấp trách nhiệm đối với cán bộ hưu trí tham gia công tác giữ các chức danh Trưởng tổ chức chính trị xã hội phường, xã, thị trấn từ 50.000 đồng/người/tháng lên 200.000 đồng/người/tháng.