Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. Việc tổ chức Hội thảo là việc làm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/12/1483).
Kết quả của Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều này và được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta.
|
Quang cảnh hội thảo |
Tại TP Hải Phòng, trong những năm qua, chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều này để lại. Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử) và nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc.
Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu Tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 – 1677). Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, Triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê – Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.
Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi. Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên.
Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, cho thấy cả những mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.
|
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước. Các báo cáo có nội dung nghiên cứu về bối cảnh ra đời Vương triều Mạc, tâm thế chính trị và phương cách lựa chọn mô hình phát triển mới; những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội… dưới thời Mạc; công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay.
Có nhiều báo cáo tham luận đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ những thành tựu phát triển toàn diện của quốc gia Đại Việt dưới thời đại Nhà Mạc, đặc biệt nhấn mạnh đánh giá cao tư duy kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Nhà Mạc; đóng góp của Triều Mạc trong phát triển thương mại và sự hưng khởi của các đô thị, cảng thị. Tư tưởng thoáng đạt và chính sách cởi mở của Triều Mạc khởi đầu cho thời kỳ chấn hưng, phát triển mạnh mẽ văn hóa, thể hiện rõ nét trong các dấu ấn vật chật, tôn giáo – tín ngưỡng, giáo dục và khoa cử, nghệ thuật và kiến trúc…
Nhìn chung, nội dung của các báo cáo tham luận rất đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh về thời Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.