Giải mã kháng thể chống lại hàng loạt biến chủng SARS-CoV-2

Google News

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới thông báo tìm ra một kháng thể chống lại một loạt biến thể virus SARS-COV-2, bao gồm biến thể Delta. Từ đây, nhiều người hy vọng phát hiện mang tính đột phá này sẽ giúp sớm dập tắt đại dịch COVID-19.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 24/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 213,22 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong số này, hơn 4,45 triệu bệnh nhân đã tử vong. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều nước với số ca nhiễm ngày càng tăng, giáo sư Michael S Diamond, Trường Y thuộc Trường ĐH Washington, St Louis, Mỹ cùng các đồng nghiệp xác định được một kháng thể chống lại một loạt biến thể virus SARS-COV-2.
Phát hiện mới của nhóm chuyên gia Mỹ có thể giúp các nhà khoa học phát triển các liệu pháp dựa trên kháng thể ít có khả năng mất hiệu lực khi virus đột biến.
"Virus có thể sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian và không gian. Có những kháng thể hiệu quả riêng lẻ và có thể được ghép nối để tạo ra sự kết hợp mới giúp ngăn ngừa sự kháng thuốc", giáo sư Michael S Diamond phát biểu.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu virus SARS-COV-2 và phát hiện loại virus sử dụng một loại protein để gắn vào và xâm chiếm các tế bào trong đường hô hấp của cơ thể. Kháng thể mới giúp ngăn ngừa protein đó gắn vào tế bào, vô hiệu hóa virus và ngăn ngừa nhiễm bệnh.
Nhiều biến thể của virus SARS-COV-2 có đột biến trong các gen cho phép chúng trốn tránh một số kháng thể được tạo ra chống lại chủng ban đầu, làm suy yếu hiệu quả của liệu pháp dựa trên kháng thể.
Giai ma khang the chong lai hang loat bien chung SARS-CoV-2
 Các chuyên gia Mỹ tìm được kháng thể chống một loạt biến thể nguy hiểm. Ảnh: REUTERS/Benoit Tessier.
Để tìm ra kháng thể trung hòa hoạt động chống lại một loạt biến thể của virus SARS-COV-2, các nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Trường ĐH Washington tiến hành tiêm một phần protein quan trọng mà virus SARS-COV-2 sử dụng được gọi là miền liên kết thụ thể (RBD) cho chuột. Sau đó, các chuyên gia chiết xuất các tế bào sản xuất kháng thể và thu được 43 kháng thể.
Trên cơ sở đó, nhóm của giáo sư Michael S Diamond sàng lọc 43 kháng thể bằng cách đo lường mức độ ngăn chặn biến thể ban đầu của virus SARS-COV-2. Cuối cùng, họ tìm được 9 kháng thể trung hòa mạnh nhất được thử nghiệm trên chuột để xemcó thể được bảo vệ khỏi virus nguyên bản hay không.
Kết quả thử nghiệm cho thấy một số kháng thể đã vượt qua 2 thí nghiệm ở mức độ khác nhau. Vì vậy, nhóm chuyên gia chọn 2 kháng thể hiệu quả nhất để thử nghiệm khả năng chống lại một nhóm biến thể virus SARS-COV-2 gồm: Alpha, Beta, Gamma, Delta, Kappa, Iota cũng như vài biến thể chưa được đặt tên nhưng đang được theo dõi như các mối đe dọa tiềm ẩn.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu phát hiện kháng thể SARS2-38 dễ dàng trung hòa tất cả biến thể và bảo vệ chuột khỏi biến thể Kappa và virus chứa protein từ biến thể Beta (nổi tiếng là kháng kháng thể). Kháng thể này có thể được kết hợp với một loại khác để tạo ra liệu pháp kết hợp mà virus rất khó chống lại.
Với kết quả nghiên cứu mang tính đột phá này, các chuyên gia hy vọng liệu pháp kháng thể sẽ sớm dập tắt được đại dịch COVID-19 trong tương lai không xa.
Trước đó, hãng dược phẩm Mỹ Regeneron cũng công bố liệu pháp kháng thể giúp cải thiện tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những người có triệu chứng nặng nhất. Cụ thể, nghiên cứu tại các bệnh viện của Anh cho thấy, Regen-Cov đã cứu sống nhiều trường hợp trong số những người không thể tự tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Những người có “huyết thanh âm tính” như vậy chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 9.785 bệnh nhân được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu.
So với nhóm đối chứng được điều trị tiêu chuẩn (hoặc bằng thuốc steroid có tên gọi dexamethasone hoặc đối với những người ốm yếu nhất là thuốc kháng viêm tocilizumab), hơn 20% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Việc sử dụng Regen-Cov cũng giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân trung bình từ 17 ngày xuống còn 13 ngày.
Regen-Cov là sự kết hợp của hai kháng thể đơn dòng, được biết đến với tên gọi casirivimab và imdevimab. Hai kháng thể này là những protein của hệ thống miễn dịch, vô hiệu hóa mầm bệnh bằng cách khóa chặt chúng. Theo các chuyên gia, casirivimab và imdevimab đều bám dính vào các vị trí khác nhau trên protein gai (protein S) của virus SARS-CoV-2. Nhờ vậy, 2 kháng thể ngăn không cho virus SARS-CoV-2 lây nhiễm sang các tế bào. Thông qua các nghiên cứu và thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy việc sử dụng 2 kháng thể thay vì một kháng thể làm giảm nguy cơ virus tiến hóa kháng thuốc.
Thông qua việc sử dụng liệu pháp kháng thể trong điều trị COVID-19, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nặng phải nhập viện sẽ giảm xuống. Khi ấy, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được cứu sống.
Hiện Regen-Cov đã được cấp phép khẩn cấp sử dụng ở Mỹ, Brazil, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Trong tương lai, phương pháp này có thể được sử dụng ở nhiều nước hơn, góp phần đáng kể vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Giai ma khang the chong lai hang loat bien chung SARS-CoV-2-Hinh-3

Mời độc giả xem video: Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM | Tin tức 24h. Nguồn: ANTV.


Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)