Nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Thái Lan, Việt Nam... ghi nhận số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta tăng mạnh trong những tháng gần đây. Chính vì vậy, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để góp phần làm giảm số ca bệnh một cách nhanh chóng.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 17/8, thế giới ghi nhận 208.941.288 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.387.956 ca tử vong. Số ca hiện đang điều trị là 17.249.685, trong đó có 107.407 ca trong tình trạng nguy kịch. Đa số các ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta.
Dự báo đỉnh dịch do biến thể Delta
Trước diễn biến nghiêm trọng này, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cho biết số ca nhiễm của Mỹ có thể tăng vọt trong vài tuần tới. Ông dự báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày của nước này có thể sớm lên tới 200.000 trường hợp. Đây là mức ca nhiễm từng ghi nhận tại Mỹ trong tháng 1 và 2.
“Đường cong lây nhiễm đang đi lên và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh”, ông Collins nhận định. Ông cho biết thêm trong vài tuần tới, Mỹ sẽ quyết định về việc có tiêm mũi vắc xin thứ ba cho người dân trong mùa thu này hay không nhằm giảm số ca nhiễm COVID-19.
Ông Collins kêu gọi người Mỹ đi tiêm vắc xin và cho hay những người chưa được chủng ngừa là mục tiêu dễ dàng của biến thể Delta.
|
Ảnh: Financial Times. |
Trong bối cảnh gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến thể Delta gây ra, một số chuyên gia tại Mỹ đưa ra dự đoán về thời điểm biến thể Delta sẽ đạt tới đỉnh điểm. Tiến sĩ Benjamin Linas, Giáo sư y khoa tại Đại học Boston (Mỹ) là một trong số đó.
Theo Tiến sĩ Benjamin Linas, hiện rất khó để đưa ra thời điểm chính xác về đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Nếu chính phủ Mỹ tập trung vào tiêm chủng đồng thời thực hiện một số biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang khi ở trong nhà và nơi công cộng thì làn sóng dịch COVID-19 này sẽ sớm kết thúc.
Ông Jagpreet Chhatwal, Phó giám đốc tại Viện Đánh giá Công nghệ - Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đồng thời là Phó giáo sư Trường Y Harvard đưa ra dự đoán số ca mắc COVID-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 10 - 11, tùy thuộc từng tiểu bang. Ông đưa ra "lời tiên tri" này thông qua các dự báo mô hình hóa từ dự án "Mô phòng COVID-19" mà Viện Y tế quốc gia và Viện đánh giá Công nghệ đều tham gia.
Không những vậy, ông Chhatwal cảnh báo rằng, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng COVID-19 mới vì sự xuất hiện của biến thể Delta. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tiến triển tốt hơn vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, nếu như Mỹ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc trong vài tuần tới thì làn sóng lây nhiễm hiện tại (chủ yếu ảnh hưởng đến những người chưa tiêm vắc xin) có thể kéo dài đến hết mùa thu năm 2021.
“Chúng ta không nên tìm kiếm một đỉnh dịch trên toàn quốc; về cơ bản chúng ta đang xem xét 50 khu vực trong cùng một quốc gia rất khác nhau về tỷ lệ tiêm chủng và các biện pháp giãn cách xã hội”, Phó giáo sư Trường Y Harvard - ông Chhatwal phát biểu.
Theo ông Chhatwal, số ca tử vong hàng ngày ở Mỹ được dự báo rất có thể vượt quá đỉnh trước đó trong năm 2021 ở một số bang như: Idaho, Maine, Montana, Nebraska, Bắc Carolina, Oregon, Washington và Tây Virginia nếu như tình trạng giãn cách xã hội như hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng vẫn không có dấu hiệu thay đổi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thông báo đã có khoảng 60% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều và gần 51% người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.
Thêm nữa, ông ng Chhatwal khuyến cáo người dân Mỹ không nên quá chủ quan để tạo điều kiện cho biến thể Delta lây lan trong cộng đồng. Mỗi người cần tự bảo vệ bản thân và gia đình vằng cách đeo khẩu trang ở các nơi công cộng cũng như đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Delta càn quét Đông Nam Á, hàng loạt biện pháp được triển khai
Do sự lây lan của biến thể Delta, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á. Theo báo cáo ngày 18/8 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), trong 2 tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Đông Nam Á cao hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy Đông Nam Á ghi nhận 38.522 ca tử vong do COVID-19 trong 2 tuần qua, gần gấp đôi so với Bắc Mỹ. Ông Alexander Matheou, Giám đốc IFRC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho hay sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gây ra những thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Ông cho rằng làn sóng dịch này có thể sẽ còn lâu mới kết thúc.
“Những tuần sắp tới là rất quan trọng đối với việc mở rộng quy mô điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng ở mọi ngóc ngách của tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á. Chúng ta phải đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng hàng loạt là 70-80% nếu chúng ta muốn giành chiến thắng trong cuộc đua với các biến chủng và vượt qua đại dịch toàn cầu này”, ông Matheou nhấn mạnh.
Thêm nữa, IFRC khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hay hạn chế tụ tập trong không gian kín là điều cần thiết thực hiện cho đến khi các nước trong khu vực Đông Nam Á đạt mục tiêu tiêm đủ vắc xin cho 70 - 80% dân số.
Malaysia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do sự lây lan của biến thể Delta. Vào ngày 18/8, Malaysia ghi nhận 22.242 ca mắc mới Covid-19. Đây là mức cao nhất kể từ trước đến nay. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.466.512 ca mắc Covid-19. Để kiểm soát và làm chậm đà lây lan của biến thể Delta trong cộng đồng, giới chức trách cho hay sẽ bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi vào giữa tháng 9 tới, trong đó ưu tiên tiêm cho những em có vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, ngày 12/8, chính phủ Malaysia đã ủy quyền tìm mua thêm 5 triệu liều vắc xin COVID-19 do Sinovac của Trung Quốc sản xuất để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Trong khi đó, ngày 18/8, Campuchia ghi nhận thêm 12 trường hợp tử vong và 593 ca mắc Covid-19. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 87.190 ca mắc Covid-19, trong đó 82.666 người đã khỏi bệnh và 1.730 người tử vong. Vì vậy, chính phủ Campuchia quyết định kéo dài thêm một tuần chiến dịch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước áp dụng từ ngày 13 - 19/8.
Ngày 11/8, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo kéo dài lệnh cấm thêm 2 tuần đối với các hoạt động kinh doanh có tính rủi ro cao và tụ tập trên 15 người, bắt đầu từ 0h ngày 13/8 - 26/8, đồng thời tiếp tục giới nghiêm ban đêm thêm 1 tuần. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu từ 10h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau thay vì từ 9h đêm như trước.
|
Lào đang đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Đài phát thanh quốc gia Lào. |
Bộ Y tế Lào ngày 19/8 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 284 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đến nay là 11.313 trường hợp, trong đó có 9 ca tử vong. Vì vậy, sáng ngày 19/8, đại diện Văn phòng Thủ tướng Lào thông báo gia hạn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã ban hành trước đó thêm 15 ngày, bao gồm việc phong tỏa thủ đô Vientiane. Lào cũng đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin cho người dân.
Đồng thời, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đang thử nghiệm sử dụng tinh chất một số loại thảo dược truyền thống để đưa vào điều trị ở giai đoạn đầu của COVID-19. Các loại thảo dược được sử dụng hiện tại bao gồm: xuyên tâm liên, diếp cá và ngải bún để hỗ trợ điều trị và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Việt Nam cũng đang nỗ lực hết mình trong công cuộc phòng chống COVID-19. Trong những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 10/7 với mục tiêu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7/2021 - 4/2022. Tính đến chiều 16/8, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 14.666.708 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.
Theo ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM, vắc xin là một phần trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi loại vắc xin được cấp phép sử dụng có nhiều điểm khác nhau.
Trong đó, vắc xin Sinopharm của Trung Quốc sử dụng công nghệ cổ xưa nhất là virus SARS-CoV-2 bất hoạt. Vắc xin AstraZeneca và Sputnik V sử dụng DNA quy định protein gai của SARS-CoV-2 bọc trong một vỏ virus vô hại. Vắc xin Pfizer và Moderna sử dụng mRNA quy định protein gai của SARS-CoV-2 bọc trong lớp vỏ lipid. Các văcxin ngừa Covid-19 hiện đều có chung mục đích là đưa protein gai của virus vào cơ thể, tiếp xúc với hệ thống miễn dịch và kích thích tạo kháng thể kháng protein gai trên bề mặt virus.
Ngoài vắc xin, để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 do biến thể Delta và Delta Plus gây ra, ngoài chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam cũng đang áp dụng các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhằm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Mời độc giả xem video: Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM | Tin tức 24h. Nguồn: ANTV.