Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, ngày 17/8, vệ tinh NanoDragon được chính thức bàn giao cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA) tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản.
Trước khi bàn giao, trong hai ngày 16-17/8/2021, JAXA đã thực hiện các công đoạn kiểm tra lần cuối đảm bảo an toàn phóng vệ tinh như kiểm tra hình dáng, kích thước, hệ thống đóng cắt nguồn điện trong khi phóng.
|
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã vượt qua mọi công đoạn kiểm tra của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản để phóng lên vũ trụ vào trước tháng 3/2022. |
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản,
NanoDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo trước tháng 3/2022 theo chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2”.
Tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam lần này có tất cả 9 vệ tinh, gồm một vệ tinh chính là vệ tinh RAISE-2 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản nặng khoảng 100kg. Bốn vệ tinh khác thuộc lớp micro, gồm vệ tinh HIBARI (55 kg) của Viện Công nghệ Tokyo, vệ tinh Z-Sat (46 kg) của công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries, vệ tinh DRUMS (62 kg) của công ty TNHH Kawasaki Heavy Industries và vệ tinh TeikyoSat-4 (52 kg) của trường Đại học Teikyo.
NanoDragon (3,8kg) sẽ tham gia ở lớp cubesat cùng 3 vệ tinh khác là vệ tinh ASTERISC (4kg) của Viện Công nghệ Chiba, vệ tinh ARICA (1kg) của Trường Đại học Aoyama Gakuin và vệ tinh KOSEN-1 (3kg) của Trường cao đẳng quốc gia Kochi.
Các vệ tinh sẽ được phóng bằng tên lửa Epsilon số 5 của Nhật Bản. Lịch phóng chi tiết sẽ được Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản thông bao đến các đối tác.
NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC.
Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
|
Vệ tinh NanoDragon được thiết kế, tích hợp hoàn toàn ở Việt Nam. |
NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng tại Việt Nam, từ ngày 9/3/2021 đến ngày 9/4/2021, vệ tinh đã hoành thành thử nghiệm môi trường trước phóng tại Trung tâm thử nghiệm Vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản.
Sau hơn một tháng thử nghiệm, NanoDragon vượt qua mọi quy trình nghiêm ngặt nhất, đủ điều kiện để được phóng lên vũ trụ tại Nhật Bản vào cuối năm nay, theo năm tài khóa của Nhật Bản (muộn nhất là tháng 3/2022).
Song song với quá trình phát triển vệ tinh, một trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng đã được phát triển, lắp đặt và sẵn sàng hoạt động. Trạm mặt đất được lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Nano Dragon là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh ở Việt Nam. Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để làm chủ công nghệ vệ tinh, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).
Cụ thể, năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo được phóng và hoạt động tương đối ổn định 3 tháng trên vũ trụ.
Cũng trong năm 2013, các kỹ sư Việt Nam bắt tay vào thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon có khối lượng 50kg, hợp phần của dự án đào tạo 36 thạc sỹ hàng không vũ trụ Việt Nam ở Nhật Bản, vệ tinh đã được phóng lên vũ trụ. Mới nhất, lễ ký kết gói thầu Vệ tinh LOTUSat-1 cũng đã diễn ra trong năm 2019.
Ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% - 10 % tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai xảy đến.