Sự kinh hoàng của đột biến
Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tới nay, chủng virus này đã xuất hiện tại gần 140 quốc gia trên thế giới và gây ra nỗi kinh hoàng cho nhân loại bởi tốc lộ lây nhiễm siêu nhanh.
|
Delta gây nỗi kinh hoàng cho nhân loại bởi tốc lộ lây nhiễm siêu nhanh. |
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 30/7), Bộ trưởng Y tế Trần Thanh Long nhấn mạnh: “Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế… Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch”.
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết sở dĩ biến thể Delta ngày càng lây nhiễm nhanh là bởi SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất so với tất cả các virus có trong tự nhiên, nên trong quá trình sao chép gen xác suất xảy ra sai sót cao nhất, nghĩa là các đột biến xuất hiện vô cùng nhiều. Trong số ngàn vạn những đột biến của Delta, sẽ có những đột biến làm cho tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, đó là lí do biến thể Delta chỉ mất vài tháng đã thống trị toàn thế giới, không gì ngăn cản nổi.
Gọi Delta là dị nhân Delta siêu lây nhiễm, BS. Trần Văn Phúc cho biết, với chủng virus Vũ Hán ban đầu mỗi bệnh nhân có thể lây cho 2 người (hệ số lây nhiễm cơ bản R0 = 2). Quá trình đột biến tạo ra nhiều biến thể, trong đó, Alpha có R0 = 4 đã làm rung chuyển thế giới.
Nhưng dị nhân Delta kinh khủng hơn nhiều với ước tính R0 = 9, riêng Việt Nam, nhiều bằng chứng cho thấy R0 còn lớn hơn con số đó.
Một đám ma trường hợp COVID-19 tử vong ở Vĩnh Long, có 21 người tham dự, tất cả đều dương tính ngay sau đó; Trung tâm cai nghiện Bố Lá ở Bình Dương có 689 học viên và cán bộ, tất cả đều dương tính. Có lẽ thế giới chưa có ổ dịch nào dương tính 100% như vậy.
Đột biến giống như chìa khoá chủ, có thể mở khoá tế bào theo ý muốn, vì thế mà biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào rất nhanh, tải lượng virus tăng đột biến. Chỉ trong thời gian ngắn virus đã có đầy ở cổ họng người nhiễm, nó nhanh chóng phát thải ra môi trường xung quanh, hầu hết người không có triệu chứng cũng dễ dàng truyền bệnh cho người khác.
Từ 15 phút đến 15 giây
“Cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed”, đây là tuyên bố của CDC Hoa Kỳ và ví biến thể Delta dễ lây giống như bệnh thuỷ đậu.
Theo BS. Trần Văn Phúc, tuyên bố này là hoàn toàn có cơ sở. Với đặc tính của biến thể Delta cần phải coi dịch bệnh ở thời điểm hiện tại như COVID-21, nó khác rất rất nhiều so với COVID-19.
|
Thời gian lây của Delta tính bằng giây |
Ví dụ với chủng Vũ Hán ban đầu, thời gian quy ước để coi là “tiếp xúc gần” phải hơn 15 phút, khoảng cách tiếp xúc phải dưới 2 m. Nhưng với biến thể Delta thời gian sẽ tính bằng giây, có thể là 15 giây, hoặc ngắn hơn chỉ vài giây tiếp xúc thoáng qua đã có thể lây nhiễm.
Một đoạn phim CCTV cho thấy ở Úc, có hai người đi ngược chiều nhau thoáng qua trong một siêu thị, người này đã kịp lây virus cho người kia.
Ở TP. HCM cũng đã có những trường hợp này. Họ cho biết, ở nhà suốt chỉ ra ngoài khi lấy đồ ăn nhưng vẫn bị "dính" COVID -19.
Vắc xin vẫn là cứu cánh
Với tốc độ lây lan khủng khiếp khiến nhiều người lo ngại liệu vắc xin có bị vô hiệu hóa. BS. Trần Văn Phúc cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vắc xin vẫn còn tác dụng bảo vệ loài người trước biến thể Delta.
Ông nêu ví dụ, bang Massachusetts (Mỹ) đã tiêm chủng đủ liều vắc xin. Kể từ ngày 4/7- 26/7, bang này có tổng số 469 ca dương tính. Với 7 triệu dân, nhưng chỉ có 469 ca dương tính trong 23 ngày; trung bình có 3 người nhiễm trong 1 triệu dân mỗi ngày, tỉ lệ vô cùng thấp. Đây là một bằng chứng cho thấy vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ với biến thể Delta.
|
Vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ với biến thể Delta. |
Theo BS. Trần Văn Phúc, trước diễn biến ngày càng phức tạp của chủng Delta tại Việt Nam, tiêm chủng phải luôn theo cấp số nhân, chạy đua vượt qua tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân của biến thể Delta. Ví dụ xuất hiện ổ dịch ở một quận, ngay lập tức phải dồn vắc xin về quận đó tiêm thật nhanh cho nhóm ưu tiên, sau đó mở rộng tiêm thật nhanh cho những đối tượng khác.
Hãy cá nhân hoá phòng chống dịch bệnh
Đặc biệt, BS. Trần Văn Phúc cho rằng virus sẽ tiếp tục biến đổi, bên cạnh việc tiêm phòng, thực hiện 5K, mỗi người phải biết tự bảo vệ để mình không bị COVID-19, đặc biệt là hành vi cá nhân.
Ông phân tích virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn khi hắt hơi, ho, nói chuyện quá to hát hò... Tuy nhiên, trong thang máy vẫn có nhiều người nói chuyện với nhau.
Trong bữa ăn tập thể, nhiều người thoải mái nói chuyện, cười đùa, ngửa cổ lên trời ho, trong khi những người ngồi cùng chẳng nhận ra. Người ốm, mũi sụt sịt ho và sốt nhưng vẫn thản nhiên đi ăn tập thể, đến đến chỗ đông người.
“Buổi chiều trước ngày Hà Nội giãn cách, tôi đi qua hàng bánh cuốn tráng, dừng lại mua. Người bán hàng cho nước chấm vào túi bóng, cô lấy tay kéo khẩu trang xuống, dùng miệng thổi phù vào túi bóng. Tôi đảm bảo nếu cô bị nhiễm COVID-19, thì những khách hàng khác khó thoát khỏi, đó là lí do xuất hiện siêu dị nhân Delta ở Việt Nam”, BS. Trần Văn Phúc ví dụ.
Theo BS. Trần Văn Phúc, cá nhân hoá phòng chống dịch là tối quan trọng, chỉ khi mỗi cá nhân tự phòng được cho mình không bị nhiễm bệnh, hầu hết cá nhân đều làm được điều đó, thì cộng đồng mới an toàn.
Mời độc giả xem video: Dân nuôi cá lồng lao đao vì sông Đà cạn trơ đáy. Nguồn: VTV24.