Tập tục ngàn năm
Miền Nam Trung Quốc nổi tiếng với những cảnh quan ngoạn mục của sông sâu, núi cao, rừng rậm và vách đá cao ngất. Nhưng ở đây cũng chứa đựng những bí ẩn lịch sử lâu đời nhất khiến các nhà khảo cổ bối rối, đáng kể nhất là những chiếc quan tài treo được nhìn thấy từ phía trên con sông Yangtze (Dương Tử).
Các chuyên gia cho rằng những bãi tha ma bấp bênh ở trên cao này là của người Bo, vốn có tập tục an táng người chết kỳ lạ khoảng 3000 năm qua. Họ treo những chiếc quan tài lơ lửng trên vách núi thẳng đứng hoặc đặt trong một khe núi ở độ cao 120m tính từ mặt đất. Trong nhiều thập niên qua, các học giả đã tìm cách chắp nối những manh mối lại với nhau để xác định vì sao người Bo lại thực hiện nghi lễ an táng này và làm cách nào mà họ có thể đặt những cỗ quan tài vào những vị trí cheo leo khó vươn tới như vậy.
Họ đã làm điều đó như thế nào?
Khi mang quan tài treo lơ lửng trên vách núi cao, những người thực hiện phải hết sức cẩn thận vì đây là công việc vô cùng khó khăn. Do đó, những kiểu an táng như thế này có thể được dự trù sẵn với những người giàu có. Giáo sư Lin Xiang thuộc ĐH Sichuan đã khôi phục một chiếc quan tài từ một vách núi trên con sông Da’ning vào năm 1979. Quan tài dài hơn 2m. Các nghiên cứu của ông ta cho thấy, gỗ của nó thuộc một loại đặc biệt mang tên là Nanmu. Cây này có thể mọc cao đến 40m, gỗ rất bền. Những thợ đóng quan tài đã chặt thân cây ra làm 2 phần và khoét sâu vào bên trong, một phần làm nơi đặt thi hài, phần kia thì làm nắp đậy.
Những quan tài được sắp xếp dọc theo vách núi với 3 hình thức: Treo trên một cây đòn bằng gỗ nhô ra khỏi vách đá thẳng đứng; đặt trong những hang thiên nhiên hoặc khe núi; và đặt trên gờ đá dọc theo vách núi. Chúng được đặt ở vị trí trên cao cách mặt đất từ 9m đến 120m. Thi hài và quan tài có thể cân nặng lên đến hàng trăm kg. Do đó, làm thế nào để đặt quan tài vào đúng vị trí khó khăn ở độ cao như vậy đã là đề tài của cuộc tranh luận trong nhiều thập niên qua. Có ba giả thuyết như sau:
- Làm một con dốc bằng đất. Người Bo xây dựng những bờ dốc bằng đất làm lối đi bộ dọc theo bề mặt vách núi. Sau đó, quan tài được mang lên theo lối đi này. Các con đường bị hủy hoại theo thời gian nay không còn dấu vết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá thấp giả thuyết này, bởi vì số lao động cần để xây dựng những con dốc thoai thoải trên không tương xứng với dân số nhỏ ở nông thôn vào thời cổ.
- Làm giàn. Những người treo quan tài đã dựng cột hoặc làm giàn dựa vào vách núi để mang quan tài lên, tuy nhiên không có bằng chứng về việc thực hiện này.
- Dùng dây thừng. Những dấu vết về dây thừng hỗ trợ cho bằng chứng chúng đã được sử dụng phổ biến để di chuyển quan tài. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy dây thừng ở một số hang động khác ở khu vực chung quanh. Trong nhiều trường hợp, dường như người Bo đã hạ quan tài đến những nơi đã định trước từ trên đỉnh vách núi, nhưng cũng có những học giả cho rằng chúng được kéo lên từ mặt đất.