Theo Live Science, ngôi mộ có niên đại khoảng năm 100-150 sau Công Nguyên, là mộ hỏa táng được xây ngay trên giàn thiêu và có cấu trúc hết sức bình thường.
Đầu tiên, nó gồm 24 viên gạch được xếp đặt một cách tỉ mỉ mà các bước nghiên cứu cho thấy được đặt ngay từ khi giàn thiêu vẫn còn âm ỉ. Một lớp vữa thạch cao cũng bất thường không kém được trát cẩn thận để bọc kín tro cốt người quá cố.
Ngôi mộ cổ bí ẩn tại nơi khai quật - Ảnh: KU Leuven
Kỳ lạ nhất là 41 chiếc đinh cong và xoắn mà các nhà khảo cổ gọi là "đinh tử thần", được đặt rải rác dọc theo các cạnh của giàn thiêu. Theo bài nghiên cứu vừa công bố trên Antiquyty, đó là mộ phần của một nam giới trưởng thành.
Nhà nghiên cứu Johan Claeys từ Đại học Catholic Leuven (KU Leuven - Bỉ) cho biết: "Việc chôn cất được kết thúc không phải bằng một, hai mà là ba cách khác nhau có thể hiểu như nỗ lực để che chắn người sống khỏi người chết. Hoặc ngược lại".
Mặc dù các viên gạch được sắp đặt hay vữa thạch cao "trấn yểm" từng được tìm thấy ở một số ngôi mộ La Mã cổ đại, bên cạnh việc bẻ cong móng tay người chết, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ bị niêm phong kỹ càng bằng cả 3 thứ "ma thuật" cổ đại, đại diện cho nỗi sợ hãi cổ xưa về những "người chết không yên giấc".
Những chiếc đinh kỳ lạ và đồng xu được khai quật từ ngôi mộ - Ảnh: KU Leuven
Cho dù vậy, người chết có vẻ vẫn được đưa tiễn chu đáo với nhiều đồ tùy táng phục vụ đời sống thường ngày như chiếc giỏ đan, thức ăn, đồng xu, bình gốm, bình thủy tinh...
Địa điểm khảo cổ Sagalassos có người ở từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên đến thế kỷ 13 sau Công Nguyên và có nhiều ví dụ thú vị về kiến trúc La Mã , bao gồm nhà hát và khu phức hợp nhà tắm. Di tích đã được thảm thực vật dày đặc che phủ trong nhiều thế kỷ, giúp mọi thứ bên dưới được bảo quản tốt.
Là một phần của Dự án Nghiên cứu khảo cổ học Sagalassos, các ngôi mộ ở ngoại ô thị trấn cổ đã được khai quật, bao gồm tìm hiểu về các trường hợp "hỏa táng không theo quy chuẩn".