Vũ Ngọc Phan có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Ông vừa là nhà văn, vừa được biết đến như một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tâm huyết. Những tác phẩm của ông luôn thấm đẫm hồn văn hóa Việt.
Cùng Truyện cổ Việt Nam, tác phẩm Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam đã giúp ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn nghệ dân gian vào năm 1996.
Trong kho tàng văn học dân gian, ca dao, tục ngữ vốn trở nên gần gũi và thân quen với mỗi người dân Việt từ bao đời nay. Nó phản ánh, truyền tải rõ nét hình ảnh con người, phong tục, tập quán qua nhiều thăng trầm của lịch sử.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu năm 1956 do Nhà xuất bản Văn Sử Địa ấn hành, với tên gọi ban đầu là Tục ngữ, ca dao Việt Nam. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, năm 1978, tác phẩm đổi tên thành Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam.
Đến nay, tác phẩm đã trải qua 10 lần in. Trong lần tái bản năm 2021, Phương Nam Books mang đến cho bạn đọc ấn bản với hình thức mới, bìa cứng được gia công chi tiết, đặc biệt và trang trọng hơn.
|
Cuốn sách Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam tái xuất với diện mạo mới. Ảnh: Phương Nam Books. |
Cuốn sách, với 888 trang, là công trình khảo cứu, sưu tầm dày công của tác giả Vũ Ngọc Phan suốt những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ khi chuyển sang nghiên cứu văn - sử - địa. Ông đã tổng hợp những câu tục ngữ, ca dao, dân ca của các dân tộc, vùng, miền trong nước, kể cả một số dân tộc thiểu số.
Những câu ca dao, tục ngữ ấy giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển tiếng nói của dân tộc, phản ánh sinh hoạt, suy tư của người dân trước thiên nhiên, xã hội. Qua sách, độc giả có thể thấy được sự tuyển chọn công phu của tác giả và tính đa dạng của nền văn học dân gian Việt Nam.
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có sự xuất hiện của phần biên khảo về các loại hình như hát trống quân, xẩm, quan họ Bắc Ninh, ghẹo Phú Thọ, ví giặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca Nam Bộ…
Không chỉ sưu tầm một dung lượng lớn các bài ca dao, tục ngữ, dân ca và phân loại chúng một cách logic theo từng thể loại, chủ đề; tác giả Vũ Ngọc Phan còn viết khảo cứu về khái niệm, nội dung, hình thức, nghệ thuật của từng loại hình.
Cuốn sách tổng hợp những “viên ngọc quý” của văn học dân gian, có giá trị sâu sắc ở nhiều mặt, trở thành tác phẩm không thể thiếu trong tủ sách của những giáo sư, nhà nghiên cứu văn học và được kỳ vọng là món quà cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian Việt Nam.
Đặc biệt, hình thức bìa cứng, màu sắc trang nhã, điểm tô thêm các họa tiết dân gian ở lần tái bản này cũng khiến tác phẩm là sự lựa chọn phù hợp cho những nhà sưu tầm sách.
“Tục ngữ, ca dao và dân ca của ta có những câu bốn chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ hay có những câu dài hơn, đều rất phong phú về cách gieo vần, nên nó đã làm ‘khuôn vàng thước ngọc’ cho nhiều thi nhân trong sáng tác”, tác giả Vũ Ngọc Phan viết.
Tác giả Vũ Ngọc Phan (1902-1987) đỗ Tú tài Pháp năm 1929 và bắt đầu chặng đường hoạt động văn học. Ông từng dạy học và cộng tác với các tờ báo: Nhật Tân, Trung Bắc Tân văn, Pháp Việt, Văn học, Sông Hương, Công luận…
Sau năm 1945, ông là biên tập viên báo Tiên phong. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm: Truyện cổ Việt Nam và Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam.
Sau gần 60 năm cống hiến và nghiên cứu sâu rộng về nền văn học dân gian và hiện đại của nước nhà, ông đã cho ra mắt nhiều tác phẩm có giá trị lớn như: Nhà văn hiện đại (4 tập, 1942-1945), Truyện cổ tích Việt Nam (1955), Những năm tháng ấy (1987)…
Từ 1932-1942, ngoài công việc nghiên cứu, Vũ Ngọc Phan còn dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới sang tiếng Việt như: Đảo giấu vàng (Stenvenson), Anna Karenina (Tolstoi), Ivanhoe (Water Scott)...