Cần phi Trần thị dù không quá nổi bật trong lịch sử nhà Thanh nhưng cũng sinh ra được một vị Hoàng tử tài giỏi. Trần thị là người Hán, từ nhỏ đã có dung mạo xinh đẹp ngọt ngào. Theo suy đoán, bà nhập cung thông qua tuyển tú của Nội vụ phủ và trở thành một cung nữ, sau đó trở thành Thứ phi của Hoàng đế Khang Hi.
Tuy nhiên, vì bối cảnh gia đình không cao quý nên Trần thị không có sơ phong quá cao. Năm Khang Hi thứ 36 (năm 1697), bà hạ sinh một tiểu Hoàng tử và được Hoàng đế Khang Hi đặt tên là Dận Lễ. Dựa theo lẽ thông thường, phi tần sinh con trai sẽ được tấn phong lên phi cao hơn. Nhưng trên thực tế, Hoàng đế Khang Hi dường như không có ý định này.
Cứ như thế, dù sinh được Hoàng thập thất tử Dận Lễ nhưng Trần thị vẫn không có được nhiều ân sủng. Mãi đến năm Khang Hi thứ 57 (năm 1718), Hoàng đế quyết định đại phong hậu cung, lúc này bà mới được phong thành Cần tần. Mất hơn 20 năm để có được phi vị "Tần" là một quãng thời gian quá dài.
Năm Khang Hi thứ 61 (năm 1722), Hoàng đế Khang Hi băng hà, Hoàng đế Ung Chính kế vị và tôn Trần thị làm Hoàng khảo Cần phi. Trước đó, con trai Trần thị là Quả Thân vương Dận Lễ không tham gia cuộc tranh đấu giành ngôi báu nên Hoàng đế Ung Chính cũng không làm khó với 2 mẹ con Trần thị. Thậm chí Hoàng đế còn rất kính trọng, sắp xếp cho Trần thị một cuộc sống ổn định ở trong cung.
Khác với các Thái phi có con đều được xuất cung và sống cuối đời bên cạnh con cháu, Trần thị vẫn ở lại hậu cung sống cùng các Thái phi không con khác. Mỗi năm sẽ có những dịp được xuất cung sống tại phủ của Quả Thân vương Dận Lễ một thời gian.
Sau khi Hoàng đế Ung Chính qua đời, Hoàng đế Càn Long nối ngôi đã tôn Trần thị làm Thuần Dụ Cần thái phi. Lúc này, Quả Thân vương Dận Lễ tiếp tục dâng tấu xin Hoàng đế cho đón Trần thị về phủ sống cùng thì bị Hoàng đế Càn Long từ chối.
Năm Càn Long thứ 18 (năm 1753), Trần thị qua đời, không rõ hưởng thọ bao nhiêu tuổi. Khi đấy, Hoàng đế Càn Long đã đích thân tiến hành đại lễ.
Suy cho cùng, dù sống lặng lẽ trong hậu cung qua 3 đời Hoàng đế nhưng Trần thị vẫn có được cuộc sống ấm êm và được Hoàng đế Ung Chính và Hoàng đế Càn Long kính trọng.