Cua hoàng đế là loài cua lớn nhất thế giới với sải chân dài nhất đạt tới 1,8m và nặng hơn 10kg. Những con cua này sống ở vùng nước lạnh có nhiệt độ trung bình khoảng 4 - 5 độ C. Ngoài ra độ sâu an toàn mà chúng thường trú ẩn lên đến 200 - 300m. Do đó, để đánh bắt cua hoàng đế không hề dễ dàng.
|
Cua hoàng đế được săn lùng dù giá rất đắt đỏ. |
Bên cạnh việc đánh bắt khó khăn, cua hoàng đế là loại cua có giá đắt đỏ nhất thế giới còn bởi chất lượng thịt hơn hẳn các loài cua khác như: chắc, ngọt, đậm đà, giàu đạm, vitamin và khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, trong 100g thịt cua hoàng đế có 0,6g chất béo; 0,42mg cholesteron; 18,9g protein; 12% vitamin C; 3% sắt; 5% canxi… Chính vì vậy, dù giá khá đắt đỏ nhưng cua hoàng đế vẫn được các thực khách săn lùng, cung không đủ cầu.
Hiện nay, giá cua hoàng đế biến động theo mùa vụ. Thông thường, giá bán lẻ tại các đại lý cung cấp hải sản vào khoảng 1.650.000 – 2.500.000 đồng/kg với size từ 2 – 4 kg/con. Đặc biệt, gần đây phần lớn các đại lý bán đều giảm từ 200.000 - 500.000 đồng/kg do loại cua này đang vào mùa đánh bắt, nguồn cung cao.
|
Cua hoàng đế chỉ còn 1.250.00 đồng/kg do vào mùa đánh bắt. |
Trao đổi với anh Hoàng Minh, chủ một đại lý bán hải sản nhập khẩu tại Long Biên (Hà Nội), hiện anh bán lẻ cua hoàng đế tươi sống ra thị trường với giá 1.250.000 đồng/kg size từ 2 – 4kg/con. Trước đó, vào tháng 8/2019, giá loại cua này vào khoảng 1.650.000 – 1.800.000 đồng/kg tùy size.
Theo anh Minh, vùng biển nước lạnh Bắc Mỹ nơi loại cua này sinh sống 1 năm có 2 mùa cho phép đánh bắt và 2 mùa cấm đánh bắt (mỗi mùa khoảng 3 tháng). Vào mùa cấm đánh bắt, giá cua tăng cao mà khan hàng, không có hàng để bán. Những ngày cuối tháng 9 gần đây vào mùa đánh bắt, nguồn cung nhiều nên giá cua giảm sâu hơn mọi năm. “Trước mắt từ nay đến hết tháng sau (tháng 10/2019), giá cua hoàng đế bên mình không có gì thay đổi. Tuy nhiên trong những tháng cận tết giá cua có thể tăng nhẹ do nhu cầu ăn uống, biếu tặng của khách hàng tăng cao, cung chưa chắc đủ cầu”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh cũng cho biết, hiện trung bình anh bán loại cua này được khoảng 200 kg/tháng. Vào các tháng gần tết hoặc hè số lượng tiêu thụ có thể lên đến 400 – 500 kg/tháng. Theo anh Minh, trước đây thị trường miền Bắc khá ảm đạm, người bán gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ bởi văn hóa mua hàng và ăn uống của người miền Bắc không dễ như miền Nam. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, các loại hải sản nhập khẩu cao cấp được khách hàng hỏi mua nhiều hơn. Bởi một là do thu nhập của người dân tăng lên, hai là giá cả hải sản nhập đôi khi còn thấp hơn hải sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng tin tưởng vào hải sản sống trong môi trường tự nhiên và công nghệ đánh bắt của nước ngoài hơn.