TP HCM là một trong những nơi trên thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi ngập lụt. Trước tình hình lụt lội nghiêm trọng, UBND TP.HCM đã thông qua dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Theo thông tin mới đây, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ tái khởi động sau Tết Nguyên đán (tức tháng 2/2019).
Dự án chống ngập lụt trên có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 6/2016 gồm 7 hạng mục, nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2; khoảng 6,5 triệu dân trong vùng dự án ở các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Không riêng Việt Nam, một số nước trên thế giới cũng có những giải pháp phòng chống ngập lụt hiệu quả. Một trong những quốc gia đó là Hà Lan.
|
Dự án chống ngập Delta Works của Hà Lan. |
Giống như nhiều nước phải đối mặt với ngập lụt do mưa bão, Hà Lan đã triển khai dự án có tên Delta Works để kiểm soát
ngập lụt. Trên thực tế, dự án này bao gồm một loạt công trình chống ngập lụt được xây dựng sau trận lụt lịch sử từ Biển Bắc tràn vào bờ biển Hà Lan năm 1953. Theo thống kê, trận lụt nghiêm trọng trên đã làm ngập 9% diện tích đất nông nghiệp ở Hà Lan và khiến 8.361 người thiệt mạng.
Với chi phí 5 tỷ USD, dự án Delta Works được hoàn thành vào năm 1997. Theo đó, 13 con đê với chiều dài 16.496 km kèm theo khoảng 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi được xây dựng. Những công trình này có nhiệm vụ bảo vệ các khu vực trực thuộc và bao quanh đồng bằng châu thổ sông Rhine - Meuse - Scheldt ở phía tây nam Hà Lan trước những trận lụt từ Biển Bắc.
Nhờ dự án Delta Works, tình trạng ngập lụt ở Hà Lan được kiểm soát một cách hiệu quả. Song song với đó, công trình này còn cung cấp nước ngọt cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
|
Đập Marina Barrage là giải pháp chống ngập hiệu quả của Singapore. |
Không riêng Hà Lan, Singapore cũng nổi tiếng với giải pháp chống ngập lụt tiên tiến và đạt hiệu quả cao trên thực tế. Cụ thể, để chống ngập lụt, chính quyền Singapore cho xây dựng con đập Marina Barrage bắc qua miệng kênh Marina với chi phí lên đến 2,2 tỷ USD.
Được đưa vào sử dụng từ ngày 31/10/2008, đập Marina Barrage có 9 cổng thép cao 5m, rộng 30m trên thành đập, trải dài qua con kênh rộng 350m. 7 máy bơm nước được sử dụng tại đây có tổng công suất hút 280m khối nước/giây. Mỗi cổng nặng 70 tấn và mỗi máy bơm có khối lượng 28 tấn.
Mời độc giả xem video: Bão Fung Wong gây mưa lớn và ngập lụt ở Philippines (nguồn: VTC14)
Khi trời mưa to trong khi thủy triều thấp, cổng thép sẽ được mở để xả nước lũ xuống biển. Khi mưa nặng hạt kết hợp với thủy triều cao, các cổng được đóng lại và máy bơm được vận hành để bơm hút nước lũ xuống biển. Nhờ vậy, những khu vực thấp như Chinatown, Jalan Besar, Geylang.... không còn bị ngập lụt.
Không chỉ phòng chống ngập lụt hiệu quả, đập Marina Barrage còn có vai trò cung cấp nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Công trình này cũng trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách.