Trận Trân Châu Cảng và thắng lợi ban đầu
Vụ tấn công Trân Châu Cảng vẫn được đánh giá là sự kiện đầy bất ngờ dù Nhật Bản và Mỹ đã bên bờ vực chiến tranh trong nhiều thập kỷ.
Mỹ không hài lòng với thái độ ngày càng hiếu chiến của đế quốc Nhật Bản với Trung Quốc . Trong khi chính phủ Nhật Bản cho rằng cách duy nhất để giải quyết các khó khăn về kinh tế và nhân khẩu chính là mở rộng lãnh thổ sang Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu tại đây.
Thành viên thủy thủ đoàn tàu chiến USS West Virginia được giải cứu trong vụ tấn công Trân Châu Cảng.
Năm 1937, Nhật Bản tuyên chiến với Trung Quốc và hàng loạt hành động bạo tàn của quân đội Nhật diễn ra sau đó. Đáng lên án nhất là vụ thảm sát Nam Kinh. Quân đội Nhật Bản khi chiếm đóng thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động tàn ác như hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá và hành quyết tù binh chiến tranh cũng như thường dân.
Giới chức Mỹ khi đó đáp trả hành động này của Nhật bằng một loạt lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận thương mại. Họ lập luận rằng nếu không có tiền và hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu thiết yếu như dầu mỏ, Nhật Bản sẽ không thể tiếp tục chủ nghĩa bành trướng của nước này.
Nhưng ngược lại, các lệnh trừng phạt không khiến người Nhật lung lay. Sau nhiều tháng đàm phán, cả hai bên đều quyết không nhượng bộ nhau. Khi đó, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Trân Châu Cảng, Hawaii, nằm gần trung tâm của Thái Bình Dương, cách Mỹ khoảng 3.200 km và Nhật Bản khoảng 6.400 km. Không ai nghĩ Tokyo sẽ bắt đầu cuộc chiến bằng vụ tấn công vào hòn đảo xa xôi này.
Thêm vào đó, quan chức tình báo Mỹ tự tin rằng mọi đợt tấn công của Nhật Bản chỉ xảy ra tại các khu vực như: Đông Ấn Hà Lan (Indonesia ngày nay), Singapore hay khu vực Đông Dương.
Chính sự chủ quan của lãnh đạo quân đội Mỹ khiến các cơ sở Hải quân tại Trân Châu Cảng lơ là phòng thủ. Gần như toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương neo đậu quanh đảo Ford, thuộc Trân Châu Cảng, mà không phòng thủ chủ động. Hàng trăm máy bay chiến đấu bị dồn vào các sân bay liền kề.
Điều này khiến Trân Châu Cảng trở thành mục tiêu dễ dàng tấn công với người Nhật.
Bức ảnh chụp Trân Châu Cảng trong buổi sáng 7/12/1941.
Kế hoạch của Nhật Bản rất đơn giản: Tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương. Theo cách đó, người Mỹ sẽ không thể đánh trả khi quân đội Nhật Bản tràn ra khắp Nam Thái Bình Dương. Ngày 7/12/1941, sau nhiều tháng lên kế hoạch và âm thầm tập luyện, quân đội Nhật Bản bắt đầu tấn công.
Khoảng 8h, máy bay chiến đấu Nhật bản lấp kín bầu trời Trân Châu Cảng. "Cơn mưa bom" và đạn trút xuống các tàu neo đậu bên dưới. Sau 10 phút, một quả bom nặng 816 kg đâm xuyên boong tàu chiến USS Arizona và rơi trúng kho đạn dược ở phần trước tàu gây ra vụ nổ lớn. Con tàu chìm dần với hơn 1.000 người mắc kẹt bên trong.
Tiếp đó, loạt ngư lôi xuyên qua lớp vỏ của tàu chiến USS Oklahoma. Với hơn 400 thủy thủ trên tàu, USS Oklahoma không giữ được thăng bằng, nghiêng về một bên và chìm dần.
Chưa đầy 2 tiếng sau, vụ tấn công bất ngờ kết thúc. Các tàu chiến neo đậu tại cảng như USS Arizona, USS Oklahoma, USS California, USS West Virginia, USS Utah, USS Maryland, USS Pennsylvania, USS Tennessee và USS Nevada, đều bị phá hủy nặng nề. Chỉ 2 tàu trong số này (USS Arizona và USS Utah) được trục vớt và sửa chữa.
Tổng cộng, vụ tấn công vào Trân Châu Cảng của quân đội Nhật Bản khiến gần 20 tàu chiến Mỹ cùng 300 máy bay chiến đấu bị phá hủy. Bến cảng và sân bay cũng thiệt hại nặng nề. Khoảng 2.403 thủy thủ, binh sĩ Mỹ, thường dân thiệt mạng và 1.000 người khác bị thương.
Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng khiến người Mỹ bất ngờ và nhận thiệt hại nặng nề cả về người và vũ khí.
Tuy nhiên, người Nhật thất bại trong việc làm tê liệt Hạm đội Thái Bình Dương vì nhận định sai lầm. Thời điểm vụ tấn công xảy ra, tàu chiến không được coi là vũ khí hải quân quan trọng nhất. Vai trò đó được chuyển qua cho các hàng không mẫu hạm. Toàn bộ tàu sân bay thuộc Hạm động Thái Bình Dương của Mỹ đều không hiện diện ở Trân Châu Cảng lúc quân Nhật tấn công.
Ngoài ra, vụ tấn công Trân Châu Cảng không phá hủy các kho xăng dầu, xưởng sửa chữa, xưởng đóng tàu và bến tàu ngầm hạt nhân. Nhờ vậy, Hải quân Mỹ có thể khôi phục nhanh chóng sau khi bị tấn công bất ngờ.
Sau vụ Trân Châu Cảng, người Mỹ gạt bỏ cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm, quyết tâm tham gia Thế chiến II.
Người Nhật muốn dùng vụ Trân Châu Cảng để ép Mỹ buộc phải chấp thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Washington đưa ra trước đó với Tokyo. Nhưng Nhật Bản không thể ngờ, vụ tấn công lại khiến Mỹ quyết tham gia vào cuộc xung đột toàn cầu mà cuối cùng nước Nhật nhận thất bại thảm hại.
Những thắng lợi nhất định của quân Nhật trong thời gian đầu của cuộc chiến- Trong 3 tháng đầu năm 1942: Quân đội Nhật lần lượt chiếm Philippines, Singapore, Đông Ấn Hà Lan và Rangoon (Myanmar).- Phe Đồng Minh gặp khó khăn trong việc duy trì liên lạc với Úc và những thất bại của Hải quân Anh càng giúp Hải quân Nhật Bản thỏa sức tung hoành.
Thất thế liên tục, nội các thay đổi
Tàu tuần dương hạng nặng lớp Mogami của Nhật Bản bị thiệt hại nặng trong trận Midway sau khi chiến đấu cơ Mỹ oanh tạc.
Hải quân Mỹ không dễ bị đánh bại tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Trận Midway là một minh chứng tiêu biểu (đây là một trong những trận hải chiến quan trọng nhất ở vùng Thái Bình Dương trong thế chiến II - nổ ra hồi tháng 6/1942 giữa hạm đội Nhật Bản và hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ).
Trong trận này, Nhật Bản mất 4 hạm đội tàu sân bay và nhiều phi công dày dạn kinh nghiệm. Trận chiến trên đảo Guadalcanal, thuộc quần đảo Solomons, diễn ra sau đó 2 tháng kết thúc với thất bại thuộc về Nhật Bản và quân Nhật buộc phải rút lui vào tháng 2/1943.
Khi quân đội Nhật bị đánh bại tại đảo Saipan vào tháng 7/1944, Thủ tướng Nhật Hideki cùng toàn bộ nội các từ chức. Tướng Koiso Kuniaki được đưa lên thay.
Ông Koiso Kuniaki.
Vừa nhậm chức, ông Koiso lập tức thành lập một hội đồng chỉ đạo chiến tranh tối cao để kết nối nội các với bộ chỉ huy cấp cao.
Các cuộc đột kích bằng hỏa lực lớn của quân Đồng minh năm 1945 khiến nhiều thành phố lớn ở Nhật bị phá hủy, nhưng các tướng lĩnh quân đội Nhật vẫn tiếp tục cuộc chiến, tự tin rằng một chiến thắng lớn hoặc chiến tranh kéo dài sẽ giúp Nhật đạt được những thỏa thuận danh dự.
Tuy nhiên, khi quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa vào tháng 4/1945, chính phủ Koiso sụp đổ. Đô đốc Suzuki Kantarō lên nắm chức Thủ tướng Nhật Bản và đối mặt muôn vàn khó khăn. Một trong số đó là việc cân nhắc có nên chấm dứt chiến tranh hay không và nếu có thì làm cách nào có lợi nhất cho Nhật Bản.
Kế hoạch được đưa ra là nhờ Liên Xô, khi đó vẫn hòa bình với Nhật, can thiệp với phe Đồng minh. Chính phủ Liên Xô chấp thuận nhưng câu trả lời bị trì hoãn cho tới khi lãnh đạo Liên Xô tham gia hội nghị Potsdam hồi tháng 7/1945. Tuyên bố sau hội nghị Potsdam khẳng định nếu Nhật Bản không đầu hàng, "họ có thể phải đối mặt với sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức".
Cuộc chiến kết thúc
Hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản tháng 8/1945.
Sau tuyên bố Potsdam, quân Nhật vẫn không có dấu hiệu đầu hàng, buộc phe Đồng minh phải mạnh tay. Hai quả bom nguyên tử được quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/8/1945 đã phá hủy gần như toàn bộ thành phố, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và một ngày sau đưa hơn 1 triệu binh sĩ vào Mãn Châu, Đông Bắc Trung Quốc, nơi đang bị Nhật chiếm đóng, để đối đầu với đội quân 700.000 người của Nhật, theo History.
Chính phủ Nhật Bản khi ấy cố gắng đạt được điều kiện duy nhất để đầu hàng là việc duy trì thể chế quân chủ. Sau khi phe Đồng minh chấp thuận tôn trọng ý chí của người dân Nhật Bản, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng. Cuộc chiến tại khu vực Thái Bình Dương chấm dứt vào ngày 14/8/1945.
Một số lính Nhật cố ngăn đài phát thanh phát sóng thông báo đầu hàng của Nhật hoàng tới người dân nhưng không thành. Một số tướng lĩnh và quân sĩ tự sát. Để tăng sự hiện diện của quy tắc trực tiếp, nội các của Thủ tướng Suzuki được thay thế bằng nội các của hoàng tử Higashikuni Naruhiko.
Về nguyên nhân dẫn đến quyết định đầu hàng của Nhật Bản, các nhà phân tích hậu chiến tranh kết luận rằng việc Mỹ ném bom nguyên tử hay cuộc chiến của Liên Xô ở Mãn Châu đều không phải lý do. Dù thực tế, những việc này góp phần rút ngắn thời gian dẫn tới quyết định đầu hàng.
Giới phân tích cho rằng việc tàu ngầm phong tỏa các đảo của Nhật Bản khiến quốc gia này chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế vì không thể khai thác các thuộc địa mới. Điều này khiến các lãnh đạo Nhật Bản nhận thức được sự vô vọng của chiến tranh.
Việc ném bom giáng đòn mạnh vào tinh thần của người dân Nhật Bản. Lực lượng Hải quân và Không quân Nhật Bản bị tổn thất nghiêm trọng. Cuối cuộc chiến, các thành phố Nhật Bản đều bị tàn phá nặng nề, các kho dự trữ cạn kiệt, năng lực công nghiệp không còn. Chính phủ Nhật Bản cũng mất uy tín và sự tôn trọng từ người dân. Tình trạng thiếu lương thực đáng báo động và lạm phát đe dọa tới quốc gia. Tất cả những điều này được cho là yếu tố dẫn tới quyết định đầu hàng của Nhật Bản.