Năm xưa Hán - Sở tranh hùng , Hạng Vũ (232 TCN - 202 TCN) tài danh lẫy lừng, xuất thân cao quý nhưng lại thất bại dưới tay Lưu Bang, vốn là nông dân ít học.
Nhìn vào lý lịch của vị hoàng đế khai quốc nhà Hán, ai cũng có thể nhận ra Lưu Bang không giỏi binh pháp, không giỏi cầm quân, lại sống buông thả ham mê tửu sắc, tuy vậy phẩm chất khiến ông trở thành bá chủ thiên hạ chỉ gói gọn trong hai chữ: Dụng quân.
Lưu Bang (256 TCN -195 TCN) là bậc thầy trong thuật dùng người, vị quân vương luôn biết cách chiêu mộ người tài và người tài cũng vì vậy mà tự nguyện giúp ông hoàn thành bá nghiệp.
Sau khi diệt Sở, thu giang sơn về một mối, Hán Cao Tổ Lưu Bang trong bữa tiệc ăn mừng ở Lạc Dương mới hỏi quần thần rằng có biết ông và Hạng Vũ khác nhau ở chỗ nào không. Các quan trong triều đều cho rằng ông là người nhân nghĩa, chính trực.
Nghe đến đây, Lưu Bang mới lắc đầu mà nói:
"Việc tính toán trong màn trướng mà quyết định sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Trương Lương ; trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ gián đoạn thì ta không bằng Tiêu Hà; đoàn kết trăm vạn người như một, đánh tất thắng, tấn công chắc chắn được thì ta không bằng Hàn Tín .
Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên mới bị ta bắt."
Có thể thấy, những nhân tài đứng sau Lưu Bang mới chính là điều làm nên sự khác biệt của vị Hoàng đế, trong đó, người Hán Cao Tổ trọng dụng nhất chính là nhân vật được nhắc đến đầu tiên - "Mưu Thánh" Trương Lương .
Trương Lương (? - trước năm 189) là danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán - Sở rồi sáng lập ra nhà Hán.
Tờ Sohu liệt ông vào hàng ngũ 10 đại quân sư kiệt xuất nhất lịch sử Trung Quốc, đứng vị trí thứ 3 chỉ sau Khương Tử Nha và Lưu Bá Ôn , đứng trên Gia Cát Lượng tới 4 bậc. Vậy Trương Lương có tài năng kiệt xuất gì mà lại được đánh giá cao tới vậy?
Hãy cùng tìm hiểu qua 2 kế sách lợi hại của vị đại quân sư này.
Cứu Lưu Bang khỏi "kiếp nạn" Hồng Môn Yến
Hồng Môn Yến hay bữa tiệc ở Hồng Môn (địa danh nay thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) thoạt nghe chỉ giống như một bữa tối của các vị quân vương nhưng lại chính là sự kiến làm bùng nổ cuộc chiến kéo dài 5 năm giữa Lưu Bang và Hạng Vũ.
Sự kiện bắt đầu vào cuối năm 207 TCN, khi Lưu Bang và Hạng Vũ đều muốn chiếm được vùng đất trung tâm của nhà Tần ở Quan Trung.
Lúc này Hạng Vũ là người đến sau, nhận thấy quân Lưu Bang vào chiếm Quan Trung trước thì vô cùng tức giận, muốn lên kế hoạch vây quân chiếm lại. Quân đội của Hạng Vũ có tới 40 vạn binh trong khi Lưu Bang chỉ mang vỏn vẹn 10 vạn binh nên nếu đánh thì thắng thua đã rõ ràng.
Trớ trêu thay, Hạng Bá - chú của Hạng Vũ lại là bằng hữu thân tín của Trương Lương. Vì lo lắng cho tính mạng bạn mình, Hạng Bá đã tìm đến trại để kể tình hình và khuyên Trương Lương nên trốn đi.
Nhận được tin, vị quân sư kiên trung lập tức báo cáo cho chủ soái Lưu Bang, còn chỉ rõ đường đi nước bước sao cho quân mình rút lui êm đẹp trước sức mạnh của Hạng Vũ.
Nghe theo lời "Mưu Thánh", Lưu Bang bèn tranh thủ sự giúp đỡ của Hạng Bá, để Hạng Bá nói với cháu trai mình rằng quân đội của ông đã sẵn sàng quy phục. Nhờ đó, Lưu Bang được mời đến bữa tiệc Hồng Môn do Hạng Vũ chuẩn bị.
Trương Lương đã sớm căn dặn, chủ soái của mình đến tiệc phải ứng xử khiêm nhường, phải liên tục ngợi khen Hạng Vũ là bậc kỳ tài trong thiên hạ, không ai sánh được. Lưu Bang nhất nhất nghe theo, còn nói thêm rằng quân mình tiến vào Quan Trung trước chỉ là do may mắn, mong Hạng Vũ đừng nghe lời những kẻ xấu xa đặt điều.
Ban đầu, kế sách của Phạm Tăng (quân sư thân tín của Hạng Vũ) là dụ Lưu Bang đến Hồng Môn Yến để tiêu diệt, thế nhưng khi nhìn thấy bậc cha chú hơn mình tới 30 tuổi đang "phủ phục" trước mắt, Hạng Vũ kiêu ngạo không thể không động lòng.
Tây Sở Bá Vương cuối cùng bỏ ngoài tai lời quân sư, quyết định "thả hổ về rừng" không giết Lưu Bang. Đây chính là quyết định sai lầm nhất của Hạng Vũ khiến ông phải chịu hậu họa lớn.
Đứng trước một vị chiến thần tài hoa nhưng kiêu ngạo như Hạng Vũ, Trương Lương đã dùng đến kế sách mà hậu thế gọi là "kim thiền thoát xác" hay "ve sầu thoát xác", nghĩa là bên ngoài nhẫn nhịn chịu đựng, bên trong âm thầm chuẩn bị lật ngược tình thế.
Mưu kế hơn người này đã khiến Lưu Bang ngày càng thêm trọng dụng vị quân sư thân tín.
Tập hợp trăm vạn binh mã không tốn chút sức lực
Năm 202 TCN, Lưu Bang trải qua nhiều năm giao chiến với Hạng Vũ thì nhận thấy mình thua nhiều hơn thắng. Muốn một lần tiêu diệt tận gốc Tây Sở Bá Vương, Lưu Bang nhất định phải hội đủ quân mới có cơ hội.
Giữa thời khắc nội bộ mâu thuẫn, rối ren - Lưu Bang và danh tướng Hàn Tín xảy ra bất hòa, quân sư Trương Lương buộc phải ra tay dàn xếp.
Để giữ chân vị tướng "bách chiến bách thằng", Trương Lương tự thân đến gặp Hàn Tín thuyết phục rằng ông nên cùng Hạng Vũ hội quân đánh bại kẻ thù, chỉ có vậy ngôi vị của ông mới vững chãi. Hàn Tín nghe vậy, phần vị nể nang Trương Lương, phần vì căm ghét kẻ thù chung, nên đã quyết định bỏ qua hiềm khích hội quân cùng Lưu Bang.
Đối với các nước chư hầu khác, Trương Lương bày cho chủ soái của mình cách dùng của cải, đất đai để phong thưởng lấy lòng họ. Cuối cùng thu nạp lực lượng quân sĩ lớn vượt trội so với quân Sở, tiến đánh trận Cai Hạ - trận đánh then chốt trong cuộc chiến Hán - Sở tranh hùng.
Trong trận chiến, Trương Lương biết người Sở rất yêu quê hương nên đã hiến kế "tứ diện Sở ca". Theo đó, Lưu Bang cho quân mình mai phục bốn phía, vây chặt thành Cai Hạ, hát to dân ca nước Sở khiến Hạng Vũ ở trong thành cũng vô cùng ngạc nhiên:
"Lưu Bang đã chiếm được đất Sở rồi sao?
Tại sao lại có nhiều người Sở trong quân đội ông ta như vậy?"
Quân binh của Hạng Vũ bị đánh mạnh vào tinh thần nên vô cùng rệu rã, càng đánh càng thua.
Nhiều tài liệu nói rằng Hạng Vũ cảm thấy mình không có mặt mũi nhìn người Sở nên đã tự sát hoặc vẫn còn sống những đã trốn đi thật xa.
Cuối cùng, Lưu Bang thống nhất được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu là Hán Cao Tổ.
Công trạng phò tá Hán Cao Tổ to lớn là vậy nhưng Trương Lương cuối cùng chỉ khiêm tốn xin được nhận một phần đất phong nhỏ hẹp.
Tài năng và tầm nhìn của Trương Lương đã khiến sử gia Tư Mã Thiên hết mực nể trọng. Trong cuốn "Sử Ký", Tư Mã Thiên đã xếp câu chuyện của ông vào phần Thế gia, tức là phần dành cho các nước chư hầu, những người có địa vị lớn trong giới quý tộc trong khi Hàn Tín chỉ được cho vào phần Liệt truyện - các sự kiện, câu chuyện ít quan trọng hơn.