Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa cũng có những người phụ nữ đặc biệt, có thể trải qua cuộc đời nhung lụa mà nhiều người mơ ước. Trong số đó có 2 nữ nhân trùng tên đặc biệt, một người được gả cho 3 vị Hoàng đế, còn người còn lại đã hạ sinh 4 vị Hoàng đế.
Đó chính là Vương Chiêu Quân và Lâu Chiêu Quân.
Lâu Chiêu Quân - Nữ nhân đỉnh nhất Trung Hoa phong kiến
Lâu Chiêu Quân xuất thân từ gia tộc vô cùng hiển hách, có uy tín và thanh danh lâu đời. Từ nhỏ, bà đã nổi danh là có dung mạo đẹp đẽ và trí tuệ thông minh nên được nhiều vương tôn công tử mang sính lễ đến hỏi cưới.
Tuy nhiên, vì trong lòng Lâu Chiêu Quân từ lâu đã có hình bóng của Cao Hoan, một người có tham vọng lớn nhưng vì hoàn cảnh phải trở thành lính gác cổng thấp bé. Chính vì vậy mà bà luôn từ chối những lời cầu hôn từ các công tử quyền thế.
Sau này, bất chấp sự phản đối của bố mẹ, Lâu Chiêu Quân đã thành thân với Cao Hoan. Với sự giúp đỡ của Lâu Chiêu Quân, cuộc đời của Cao Hoan đã bước sang trang mới. Có tiền có thế của gia đình vợ, Cao Hoan bắt đầu thăng quan tiến chức và trở thành đại thần dưới triều Bắc Ngụy.
Theo ghi chép lịch sử, Lâu Chiêu Quân đã hạ sinh 6 con trai Cao Trừng, Cao Dương, Cao Diễn, Cao Xước, Cao Đam, Cao Tể và 2 con gái không rõ tên thật. Về sau, Cao Dương trở thành Văn Tuyên Đế, Cao Trừng được em trai truy tôn thành Văn Tương Đế, Cao Diễn trở thành Hiếu Chiêu Đế, Cao Đam trở thành Vũ Thành Đế.
Thậm chí 2 người con gái của Lâu Chiêu Quân còn trở thành hoàng hậu của Hiếu Vũ Đế và Hiếu Tĩnh Đế.
Trong suốt thời gian biến động của đất nước, Lâu Chiêu Quân đã từng bước trở thành Vương phi, Vương thái phi, Thái hậu, Thái hoàng thái hậu và qua đời ở tuổi 62.
Vương Chiêu Quân - Đại mỹ nhân được nhiều Hoàng đế si mê
Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân thời cổ đại nổi tiếng, tên thật là Vương Tường, xuất thân từ một gia đình thường dân ở quận Nam. Dù vậy, cảnh nghèo đói cũng không thể che giấu vẻ đẹp "chim sa cá lặn" của nàng.
Năm Kiến Chiêu nguyên niên (tức năm 38 trước Công nguyên), Vương Chiêu Quân được chọn nhập cung. Lúc đó, không ít người đã nghĩ nhan sắc diễm lệ sẽ giúp Vương Chiêu Quân khuynh đảo hậu cung, thậm chí nàng cũng có suy nghĩ này.
Theo Hậu Hán thư, sau khi nhập cung, trong nhiều năm đầu Vương Chiêu Quân không thể gặp gỡ Hán Nguyên Đế dù chỉ một lần.
Năm Cảnh Ninh nguyên niên (năm 33 trước Công nguyên), Thiền vu Hô Hàn Tà của tộc Hung Nô đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán và đề nghị trở thành con rể của Hán Nguyên Đế.
Vào thời kỳ này, hòa thân chính trị không nhất thiết phải là công chúa mà có thể chọn các cung nữ trong hậu cung của Hoàng đế. Lúc đó, Hán Nguyên Đế đã ban cho Hô Hàn Tà 5 cung nhân trong hậu cung của mình, trong đó có Vương Chiêu Quân.
Và lúc này cũng là lần đầu tiên Hoàng đế nhìn thấy nhan sắc diễm của Vương Chiêu Quân. Dù muốn giữ lại mỹ nhân nhưng cũng sợ mang tiếng thất tín, Hán Nguyên Đế đã để Vương Chiêu Quân đi hòa thân trong luyến tiếc.
Sau khi về Hung Nô, Vương Chiêu Quân được lập làm Yên chi với phong hiệu Ninh Hồ Yên chi, và sinh 1 con trai cho Hô Hàn Tà.
Năm Kiến Thủy thứ 2 (năm 31 trước Công nguyên), Thiền vu Hô Hàn Tà qua đời. Theo tục của người Hung Nô, Vương Chiêu Quân sẽ thành thân với Thiền vu tiếp theo, chính là Phục Chu Luy Nhược Đề, con trai trưởng của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân này, nàng đã hạ sinh 2 người con gái.
Năm Hồng Gia nguyên niên (năm 20 trước Công nguyên), Phục Chu Luy Nhược Đề qua đời. Tuy nhiên, từ đó thông tin về Vương Chiêu Quân không còn được ghi chép nhiều nữa, thậm chí cũng không rõ nàng qua đời khi nào.