Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân được mệnh danh là một trong tứ đại danh tác cả Trung Quốc. Tác phẩm văn học cổ điển này là câu chuyện thần thoại kể về quá trình đi sang Tây Trúc lấy kinh của Đường Tăng cùng với 4 người đệ tử là Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã.
Theo tiểu thuyết Tây Du Ký, Đường Tăng (hay Đường Tam Tạng) có kiếp trước là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Tổ Như Lai. Do ngủ gật trong giờ giảng kinh và vô tình đá đổ một hạt gạo nên Kim Thiền Tử bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp và phải trải qua 81 kiếp nạn mới được quay trở lại Linh Sơn.
Trong 9 kiếp đầu, Kim Thiền Tử đi lấy kinh nhưng đều bị hại ở sông Lưu Sa. Đến kiếp thứ 10, Kim Thiền Tử chuyển sinh dưới thời nhà Đường, họ Trần, pháp danh là Huyền Trang. Ông được nuôi lớn và dạy dỗ ở chùa Kim Sơn. Cuộc hành trình của Trần Huyền Trang bắt đầu khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân, vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường, mời về giảng kinh thư.
Lúc bấy giờ, tại thành Trường An, Bồ Tát hóa thân đến và tặng cho Huyền Trang áo cà sa và cây tích trượng. Đồng thời, Bồ Tát nói cách đông thổ Đại Đường 1 vạn 8.000 dặm là Linh Sơn ở nước Tây Trúc bên Tây Thiên, nơi có tam tạng kinh Đại Thừa Chân Kinh, có được sẽ cảm hóa được chúng sinh.
Sau khi nghe xong, ông quyết tâm ra đi để thỉnh Kinh về và được Đường Thái Tông đặt tên là Tam Tạng, kết nghĩa huynh đệ, tặng cho cái bát vàng, một con ngựa trắng và 2 vị sư đi cùng.
Đáng tiếc, khi vừa ra khỏi thành, 2 người đi cùng Đường Tăng đã bị yêu quái giết. Đường Tăng được một người thợ săn giúp đỡ trước khi gặp đồ đệ đầu tiên là Tôn Ngộ Không. Kể từ đó, ông tiếp tục trải qua 81 kiếp nạn cùng với 4 người đệ tử của mình. Sau cùng, Đường Tăng đã lấy được chân kinh, tu thành chính quả và được phong chức Chiên Đàn Công Đức Phật hay Vô Lượng Công Đức Phật.
Trong Tây Du Ký có một chi tiết rất hay. Đó là mỗi lần Đường Tăng đi đến nước nào cũng cần phải xin đóng dấu vào giấy thông hành, gọi là thông quan văn điệp. Đây là văn điệp do đích thân Đường Thái Tông viết. Khi xem phim Tây Du Ký, chúng ta thường thấy Đường Tăng nhắc lại nhiều lần một câu nói khi đến các nước là: "Đệ tử là Huyền Trang, đến từ đông thổ Đại Đường, được cử sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh".
Thông quan văn điệp dùng để làm gì?
Đáng chú ý là sau khi nhìn thấy bút tích của hoàng đế Đường Thái Tông, vua của các nước nơi Đường Tăng đến đều vội vàng đóng dấu ngọc tỷ thông qua. Văn điệp này là giấy tờ quan trọng. Sau khi Đường Tăng lấy kinh trở về, ông phải giao thông quan văn điệp cho hoàng đế nhà Đường.
Thông quan văn điệp này có công dụng tương đương với hộ chiếu để xuất ngoại như ngày nay. Loại giấy tờ này đã được hình thành ngay từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc và sau đó tiếp tục được duy trì qua nhiều triều đại với mục đích nhằm quản lý dân số, đảm bảo việc đóng thuế, cưỡng bách tòng quân, ngăn chặn việc người dân bỏ chạy khỏi đất nước…
Để thuận lợi qua biển ải của các nước, thông quan văn điệp mà Đường Tăng mang theo ít nhất phải được đóng dấu tại thời điểm đi qua.
Dưới thời trị vì của Đường Thái Tông, ông rất tin vào Phật giáo. Do đó, để đảm bảo cho "ngự đệ" Đường Tăng có thể thông quan thuận lợi, vị hoàng đế này đã đích thân viết văn điệp hay còn gọi là sứ điệp và đóng dấu bảo ấn thông hành. Cụ thể, mỗi khi đến một nước nào đó, thông quan văn điệp này cần phải được đóng dấu của nước đó thì mới được phép đi qua.
Khi lính canh ở khu vực biên giới nhìn thấy dấu ấn của hoàng đế thì phải cho phép Đường Tăng và các đồ đệ đi qua. Những quốc ấn trên văn điệp chính là vật chứng cho con đường lấy kinh của Đường Tăng và các đồ đệ.
Vậy, câu hỏi đặt ra là Đường Thái Tông đã viết gì trong thông quan văn điệp mà tất cả các nước mà Đường Tăng đi qua đều chấp thuận đóng dấu?
Đường Thái Tông viết gì trong thông quan văn điệp?
Sở dĩ các vị vua đều nhanh chóng đóng dấu vào văn điệp cho Đường Tăng là do nhìn thấy bút tích và dấu ấn của hoàng đế nhà Đường. Đại ý nội dung trong văn điệp là Đường Thái Tông viết rõ lý do ông phái "ngự đệ" Đường Tăng đi Tây Thiên là để thỉnh Kinh nhằm mục đích siêu độ chúng sinh. Do đó, vị hoàng đế này hy vọng vua của tất cả các nước sẽ không phá hủy đi thiện duyên này, đồng thời giúp Đường Tăng có thể xuất quan thuận lợi trên đường thỉnh Kinh. Văn điệp ghi rõ thời điểm là một ngày mùa thu của năm Trinh Quán thứ 13.
Thông quan văn điệp do Đường Thái Tông viết rất rõ ràng. Trong đó, vị hoàng đế nổi tiếng ghi rõ mục đích và lý do của sứ mệnh, đồng thời cũng mang hàm ý hơi "đe dọa", bởi lúc đó nhà Đường là quốc gia hùng mạnh nhất ở trung nguyên. Các nước lúc bấy giờ đều muốn tránh hiềm khích với vương triều này. Do đó, chỉ cần vua của các nước đọc được văn điệp này sẽ ngay lập tức đồng ý cho Đường Tăng đi qua địa phận của nước họ.
Thông quan văn điệp không chỉ là văn bản ghi chép quá trình thỉnh Kinh của Đường Tăng mà còn là giấy chứng nhận hoàn thành sứ mệnh lịch sử của vị cao tăng này. Chính vì vậy, thông quan văn điệp xuất hiện gần như xuyên suốt trong toàn bộ Tây Du Ký.