Sáng 6/8, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết: Một cây dầu rái hàng trăm tuổi được công nhận là cây di sản ở xã Thành Sơn đã chết. Huyện này đã thuê đơn vị có kinh nghiệm chặt hạ cây chết nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời thay thế cây khác vào vị trí cây đã chết. Phần gỗ cây dầu rái sẽ được tận dụng dựng một căn nhà lưu niệm tại khu vực cây di sản nói trên.
|
Cây dầu rái hàng trăm tuổi ở huyện Khánh Sơn bên trái đã bị chết khô. Ảnh: L.H.
|
Trước đó, năm 2019, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 2 cây dầu rái cổ thụ bên dòng sông Tô Hạp (đoạn chảy qua thôn A Pa 2, xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) là cây di sản Việt Nam. Nhưng đến đầu năm 2022, một trong hai cây dầu rái di sản xuất hiện dấu hiệu rụng lá, chết khô. Cây dầu rái còn lại vẫn còn cành lá xanh, chưa có dấu hiệu xấu.
Tháng 4/2022, Sở NN&PTNT Khánh Hòa có kiểm tra và nhận định sơ bộ một trong các nguyên nhân làm cây dầu đôi bị rụng lá và khô có thể do tình trạng bê tông hóa nhiều gây yếm khí và nóng, nước ở gốc cây cũng khó thẩm thấu xuống bộ rễ, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng trầm trọng gây nên hiện tượng rụng lá, khô cây.
|
Cây dầu rái hàng trăm tuổi còn lại vẫn đang xanh tốt. Ảnh: L.H.
|
Đến tháng 7/2022, UBND huyện Khánh Sơn đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nhằm cứu cây dầu rái này. Sau đó, xã Thành Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan cải tạo mở rộng bồn gốc cây ra đến tán, xới lớp đất mặt rồi và phun thuốc bảo trừ nấm bệnh gây hại rễ. Tuy nhiên, cây dầu rái này vẫn không có dấu hiệu xanh lá trở lại và hiện đã bị chết.
Vào ngày 4/8 vừa qua, cây dầu đôi hàng trăm tuổi gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong (ở xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cũng đã bất ngờ bị gãy đổ một nhánh. Cây Dầu Đôi này cao khoảng 30m, bóng mát che cho miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong - người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa những năm 1885-1886, bị địch bắt giết và treo đầu ông tại cây Dầu Đôi. Năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận cây Dầu Đôi là cây di sản Việt Nam.