Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 35km về phía tây nam, địa đạo Phú An - Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý, nay là xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong ảnh là nhà tiếp đón khách được đặt tại làng Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc.
Theo lời kể của ông Lê Văn Sáu (SN 1952, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Thắng) - một người trực tiếp tham gia đào địa đạo Phú An - Phú Xuân, việc đào diễn ra rất khẩn trương, bí mật với sự góp sức của tất cả dân làng từ trẻ em cho đến người già, tùy sức của mình mà làm việc.
Khu vực địa đạo nằm giữa hai con sông Thu Bồn, Vu Gia. Trong kháng chiến, những cán bộ, du kích, an ninh, bộ đội và những người dân kiên quyết bám đất, chiến đấu giữ làng. Với địa bàn chiến lược này, Đặc khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cho Huyện ủy Đại Lộc huy động tổng hợp lực lượng bí mật đào địa đạo để tránh trú, phục vụ chiến đấu lâu dài.
|
Sa bàn mô tả về địa đạo Phú Xuân - Phú An khi xưa, đường dài nối liền màu vàng là nơi địa đạo từng đi qua.
|
Địa đạo nằm sâu trong lòng đất, chiều dài gần 2.000m với 21 ngõ ngách phức tạp xuyên qua nhà dân, bụi cây, lũy tre, cùng với đó là hệ thống giao thông hào chằng chịt xung quanh. Độ rộng, hẹp của lòng địa đạo được xây dựng khác nhau tùy vào địa hình, địa chất khu vực đó với chỗ sâu nhất khoảng 2m.
Theo ông Lê Văn Sáu, trong địa đạo được bố trí các ngách, lỗ thông hơi ở nhiều nơi nhằm tránh sự phát hiện của địch, tạo thế liên hoàn cũng như hỗ trợ nhau khi đánh trận. Trung bình cứ 20m có một lỗ thông hơi, hầm cá nhân để phòng trường hợp có đột kích bất ngờ.
Các hầm trong địa đạo được xây dựng khá đầy đủ gồm: hầm chỉ huy, hội họp, cấp cứu, dự trữ lương thực. Bên cạnh đó, mỗi đoạn địa đạo đều có những nhánh nhỏ nối liền với hai khu giao thông hào chạy dọc theo nhằm cảnh giới và tác chiến khi địch tấn công.
Từ lúc đào cho đến khi hoàn thành địa đạo (3/1965-4/1967), tuy các căn cứ An Hòa, Đức Dục, Ái Nghĩa của địch nằm ở sát nách nhưng chúng không hề phát hiện, mặc cho mạng lưới mật báo viên, cộng tác viên của chúng rải khắp nơi. Điều này đã minh chứng cho việc giữ gìn bí mật khi đào địa đạo luôn được đặt ở mức cao nhất.
Địa đạo Phú An - Phú Xuân từng là nơi làm việc của Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), đồng chí Chu Huy Mân, Đoàn Khuê cùng nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao khác chỉ huy chiến trường…
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, địa đạo Phú An - Phú Xuân không còn được sử dụng nữa và bắt đầu xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Năm 2004, địa đạo được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2011, Quảng Nam đã đầu tư 3,2 tỷ đồng tôn tạo địa đạo, đến năm 2013 hoàn thành.
Dự án trùng tu bao gồm nhiều hạng mục, từ bồi thường giải tỏa tới trùng tu và phục hồi nguyên trạng một số địa điểm chính như miệng, hầm địa đạo, nhà chỉ huy, phòng hội họp, nơi trưng bày hiện vật, tranh ảnh kháng chiến, cũng là nơi đón tiếp và giới thiệu về di tích…
Việc trùng tu chỉ dừng ở mức gìn giữ biểu tượng của di tích vì có nhiều đoạn đã bị sập, bịt kín lối; chỉ tôn tạo được 145m bằng cách đổ bê tông cốt thép hình vòm nhằm chống sạt lở, vách địa đạo trát vữa giả đất cùng với 3 miệng hầm lộ thiên; trong đó, một miệng hầm có các bậc lên xuống và một số hạng mục khác.
|
Hiện nay, nhà đón tiếp khách tham quan đang dần xuống cấp nhiều hạng mục.
|
Năm 2016, di tích địa đạo Phú An - Phú Xuân được huyện bàn giao cho UBND xã Đại Thắng quản lý. Tuy nhiên, hiện khách tham quan đến chỉ đứng trên mặt đất ngắm nhìn, còn trong lòng địa đạo bì bõm nước, nếu có ráo (được hút hoặc vào lúc nắng nóng) cũng chỉ toàn bùn non trơn trượt, khó đi.
Từ năm 2013, công trình trùng tu, tôn tạo đã hoàn thành, nhưng khâu bàn giao và tiếp nhận di tích sau tu bổ giữa Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Thắng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là đơn vị thi công vẫn chưa thể xử lý được tình trạng nước thấm vào lòng địa đạo dâng cao lên tới miệng hầm.
Theo ông Trương Văn Tám, Cán bộ Văn hóa - Xã hội, UBND xã Đại Thắng, việc khai thác di tích phục vụ tham quan gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi có đoàn khách tham quan (du khách nước ngoài, cựu chiến binh, các em học sinh thăm địa chỉ đỏ…) xã phải cử người xử lý, hút cạn nước trong lòng địa đạo để phục vụ.