Đầu tháng 7/1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”.
Giành thắng lợi to lớn sau 29 ngày đêm chiến đấu
Ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy; các đồng chí Hoàng Văn Thái, Trần Đăng Ninh, Bùi Quang Tạo, Lê Liêm là đảng ủy viên. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng được chỉ định làm Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho đồng chí Hoàng Văn Thái làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Lê Liêm làm Chính ủy; đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy phó đánh trận mở màn Đông Khê.
|
Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới. Ảnh: TTXVN. |
Nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra trận và từ Sở Chỉ huy tiền phương ở Nà Lạn, Người đã đến thăm một số đơn vị và căn dặn bộ đội: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này”. Đồng thời, ngày 15/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi và động viên các đơn vị tham gia đánh trận Đông Khê, tích cực thi đua giết giặc lập công. Trực ban tác chiến đã chuyển Thư của Bác xuống từng đơn vị trước giờ nổ súng và Lời dạy của Người rất nhanh chóng đã lan ra khắp mặt trận và có sức cổ vũ mạnh mẽ. Trực ban tác chiến nhắc lại từng câu: “... Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này. Để đánh thắng trận này các chiến sĩ ở mặt trận phải kiên quyết dũng cảm trăm phần trăm...”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê. Ảnh: Vũ Năng An/TTXVN. |
Khi ta nổ súng tấn công Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đài quan sát tại Nà Lạn (đông Đông Khê 11km đường chim bay) do Ban Tham mưu tiền phương tổ chức để theo dõi trận đánh. Ngày 18/9/1950, Người trực tiếp đến tận đài thông tin liên lạc ở Sở Chỉ huy mặt trận và qua điện thoại, nắm tình hình. Một chiều khác, từ đài quan sát chiến dịch, qua điện thoại, Người hỏi Trưởng ban thông tin Hoàng Đạo Thúy tình hình thông tin. Báo cáo xong, Trưởng ban thưa lại với Người tinh thần, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ thông tin: "Hy sinh cho chiến dịch thắng lợi, quyết bảo vệ liên lạc thông suốt, kịp thời cho chỉ huy và lãnh đạo". Tại sở chỉ huy, Người ân cần hỏi thăm sức khoẻ, công việc, sinh hoạt, động viên bộ đội đoàn kết, kỷ luật, để bảo đảm tốt nhiệm vụ thông tin…
|
Bác Hồ lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Ảnh: TTXVN. |
Đến 14/10/1950, trải qua 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, gian khổ, mưu trí, dũng cảm, chiến dịch Biên Giới kết thúc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn. Ta đã tiêu diệt và bắt hơn 8.000 tên địch, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của 2 binh đoàn Pháp, thu hơn 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đủ trang bị cho 1 đại đoàn, giải phóng khu vực biên giới gồm 5 thị xã, 3 thị trấn, một dải biên giới dài 750km từ Cao Bằng đến Đình Lập với 3,5 vạn dân.
Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên sau 4 năm kháng chiến, một chiến dịch đánh vận động, đánh tiêu diệt xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất của Quân đội ta trong năm 1950 đã giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước nhẩy vọt về nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo chiến dịch của Bộ Tổng Tham mưu; góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Hình ảnh không thể nào quên về vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân
Chiến dịch kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chiến trường Đông Khê, Thất Khê, thăm thương binh, thăm các đơn vị tham gia chiến dịch, thăm dân công và cả tù hàng binh địch. Dọc hai bên đường số 4 lúc này rộn ràng không khí chiến thắng. Nhiều chỗ bộ đội, dân công, Nhân dân... ra kín đường. Mọi người ai cũng muốn đặt bàn chân của mình lên con đường nhựa đã 5 năm bị địch độc chiếm. Ta và thực dân Pháp lúc này thỏa thuận, chỉ có máy bay Hồng thập tự được phép bay từ Hà Nội lên để vận chuyển thương binh của thực dân Pháp do ta giao trả. Không một máy bay chiến đấu nào xuất hiện trên vùng trời biên giới Đông Bắc.
|
Bác Hồ trên đường đi Chiến dịch Biên giới. Ảnh Tư liệu: TTXVN. |
Điểm dừng chân đầu tiên của Bác là bệnh viện dã chiến, bác sĩ Thành yêu cầu một số cán bộ đi cùng đoàn dừng lại ở ngoài để chỗ thương binh nằm khỏi chật. Từ ngoài nhìn vào, đồng chí Thềm, cán bộ bảo vệ của Bộ Tổng Tham mưu thấy rất rõ Bác cố nén xúc động khi thăm hỏi anh em thương binh. Nhiều lúc Bác đưa khăn lau nước mắt… Từ trong viện trở ra, thấy Bác phong phanh một tấm áo, hỏi ra mới biết: Ông cụ vừa tặng một thương binh nặng chiếc áo ngoài của Người.
Hôm sau, Bác đến thăm trại tù binh ở Thất Khê. Đó là mấy cái lán cũ của quân ta được sửa lại làm nơi giữ tù binh, trước khi giải họ về hậu phương. Khắp mấy dẫy lán, lính da đen, da trắng rất nhiều, ngồi, nằm la liệt. Bác đội mũ, mặc áo khoác, tay chống gậy. Chòm râu của Người được che kín bằng tấm khăn quàng. Đồng chí Lưu Quyên - cán bộ Cục Địch vận đưa Bác đi thăm các lán. Tù binh hẳn không hề nghĩ rằng Người đang hỏi chuyện họ lại là vị Chủ tịch nước, vị thống soái tối cao của Quân đội vừa đánh thắng một trận vang dội trên con đường số 4 lịch sử này. Bác giới thiệu là Chính ủy của mặt trận đến thăm trại. Chính ủy là gì? Không biết tù binh có hiểu không, nhưng thái độ của họ tỏ ra rất cung kính và thán phục đối với người đối thoại.
|
Số lượng lớn pháo binh và công binh của Bộ Tư lệnh được tập trung cho Chiến dịch biên giới. Nguồn: TTXVN. |
Gần hai tiếng đồng hồ, Bác mới rời khỏi trại và một lần nữa chiếc áo khoác ngoài lại không còn. Rỉ tai hỏi đồng chí Cao Pha - cán bộ quân báo thì được biết: Một tù binh địch là bác sĩ bị thương được Bác hỏi chuyện, tù binh này tỏ ra hiểu biết và cuối cùng bật khóc. Thấy tù binh đang lên cơn sốt, bị rét, ông cụ cởi cho chiếc áo, họ càng khóc to hơn...
Trên đường ngược lên Cao Bằng, Bác ghé thăm một công binh xưởng đang được dùng làm nơi tập trung một phần vũ khí chiến lợi phẩm để chuyển dần cho các đơn vị. Chiều tối không rõ lan truyền từ đâu, bà con dân tộc Tày một bản sát kề công binh xưởng đốt đuốc kéo sang. Mấy cán bộ công binh xưởng cũng như cán bộ đi cùng lo lắng, đưa mắt nhìn nhau, không hiểu sao đồng bào biết cụ đang ở đây? Nghe báo cáo, Bác bình thản bảo kê chiếc bàn giữa sân để Người tiếp đồng bào... Sau buổi gặp gỡ đồng bào tại công binh xưởng, mọi người vui vẻ ra về. Theo chỉ thị của Người, đoàn cán bộ đi theo Người cũng chuẩn bị lên đường về Sở chỉ huy tiền phương ngay đêm hôm đó...
Hơn 70 năm đã qua, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường ra trận trong chiến dịch Biên Giới Thu - Đông năm 1950 còn in sâu trong tâm trí của bao người. Sự có mặt của Người trên đường ra trận không chỉ là nguồn động viên sâu sắc và khích lệ to lớn cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận, đưa đến thắng lợi vang dội của chiến dịch, đập tan 2 binh đoàn cơ động của thực dân Pháp, mở toang cánh cửa biên giới thông thương với các nước xã hội chủ nghĩa mà đặc biệt đã để lại hình ảnh không thể nào quên về vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân, đã cùng toàn thể dân tộc đồng hành trong cuộc chiến tranh giải phóng. Hình ảnh ấy của Người mãi mãi là dấu son chói lọi, mãi mãi là hình ảnh tuyệt vời trong lòng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam để người lính hát vang lên khúc quân hành “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” trong mấy chục năm qua và vang đến cả mai sau.