Nhà quay phim quân đội, Trung tá Nguyễn Thanh Xuân (SN 1931, trú tại xóm Liên Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) từng nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Ông Xuân là 1 trong 2 nhà quay phim được giao trọng trách ghi lại những hình ảnh thiêng liêng cuối cùng về Bác.
Mỗi lần nhắc lại những thước phim về Bác, ký ức trong ông lại ùa về.
Trung tá Xuân kể, tối 29/8/1969, tổ quay phim của ông nhận lệnh từ Xưởng phim Quân đội (thuộc Tổng cục Chính trị) yêu cầu vào Phủ Chủ tịch quay phim.
|
Ông Nguyễn Thanh Xuân |
Ông Xuân cẩn thận lau chùi 2 chiếc máy quay, chuẩn bị phim nhựa rồi lên xe. Đi cùng ông còn có nhà quay phim Trần Anh Trà và lái xe Hoàng Hè.
“Khi đến Phủ Chủ tịch, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ thông báo tình hình sức khỏe của Bác rất yếu. Bộ Chính trị yêu cầu chúng tôi ghi lại những giây phút có lẽ là cuối cùng của Người. Tuy nhiên, ông Vũ Kỳ không nói quay phim ngay mà yêu cầu nghỉ ngơi, lúc nào cần sẽ thông báo”, ông Xuân nhớ lại.
Khi biết Bác ốm nặng, ông Xuân không giấu được sự buồn rầu, hụt hẫng. Tuy vậy, đến chiều 1/9, niềm hi vọng của ông lại được nhen nhóm bởi có thể Bác Hồ sẽ xuất hiện trước toàn dân trong buổi lễ mít tinh mừng Quốc khánh 2/9.
Cũng đúng lúc này, tổ quay phim của ông Xuân được vào quay phim Bác nhưng yêu cầu phải giữ khoảng cách, chỉ đứng từ xa quay.
“Khoảng 9h47 trưa 2/9, thư ký Vũ Kỳ thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi được lệnh mang máy vào phòng bệnh quay phim. Lúc này, các bác sĩ, lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư… đứng gần Bác, không ai nén được nước mắt. Bản thân tôi cũng khóc, nhìn qua ống ngắm nước mắt cứ chảy giàn giụa”, ông Xuân bùi ngùi.
Xác định nhiệm vụ quan trọng, ông Xuân kìm nén đau thương, sử dụng 2 máy quay liên tục, cố ghi lại thật nhiều hình ảnh quan trọng, thiêng liêng nhất về Bác.
Đến trưa, khi xe cứu thương chở thi hài Người về Viện Quân y 108, tổ quay phim lại được phân công ghi lại hình ảnh các chuyên gia Liên Xô tìm cách bảo vệ thi hài.
|
Hình ảnh tư liệu lúc Bác Hồ ra đi mãi mãi |
Do thời điểm Bác Hồ ra đi trùng vào ngày Quốc khánh 2/9, thông tin và những thước phim về ngày mất của Bác được giữ bí mật trong suốt một thời gian dài.
Mãi 20 năm sau, đến năm 1989 sau khi bộ phim "Những giây phút cuối đời Bác Hồ" ra mắt do đạo diễn Phạm Quốc Vinh (Xưởng phim Quân đội) thực hiện thì ông Xuân mới được xem nhiều thước phim do mình quay lại.
Điếu thuốc thơm nơi trận địa pháo
Trung tá Xuân còn là người quay nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Chiến thắng Hàm Rồng, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Dưới cờ quyết thắng...
Trong thời gian công tác tại Xưởng phim Quân đội, Trung tá Xuân từng nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ấn tượng sâu đậm nhất với ông là lần Bác đến thăm trận địa pháo cao xạ tại đầu cầu Long Biên năm 1967.
|
Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ ở Tam Đảo 1966. Ảnh tư liệu |
Ông Xuân nhớ lại, khi Bác Hồ đến thăm trận địa, các chiến sĩ bộ đội ai cũng vui mừng. Bác vẫy tay chào mọi người rồi bước lên mâm pháo, lấy chiếc mũ sắt đội lên đầu.
Đây là mũ sắt của Nga sản xuất nên rất nặng. Bác hỏi: "Các cháu đội mũ này suốt ngày có đau đầu không"? Bộ đội xúc động trả lời: “Chúng cháu không thấy nặng, lúc chiến đấu phải luôn luôn có mũ sắt ạ”.
“Lúc bấy giờ cũng chẳng có gì, để biểu dương tinh thần các chiến sĩ, Bác rút hộp thuốc trong túi áo ra, phát cho mỗi người một điếu. Bác căn dặn, hút thuốc nhưng phải sẵn sàng chiến đấu, cố gắng bắn rơi thật nhiều máy bay. Điều đặc biệt, hộp đựng thuốc này được làm từ xác máy bay, bộ đội làm tặng cho Bác”, Trung tá Xuân kể lại.
|
Nguyễn Thanh Xuân (bên phải) quay phim tư liệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân |
Vì hôm đó trời nắng to, lại đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nên để bảo vệ sức khỏe cho Bác, các lãnh đạo không dám để Bác ở lại lâu.
Trước khi rời trận địa, Bác vẫy tay chào và không quên gửi lời chúc sức khỏe đến các chiến sĩ.
“Nhiều phóng viên từng hỏi có phải vì tôi là đồng hương của Bác nên được ưu ái. Tôi cười, Bác Hồ cũng không biết tôi ở Kim Liên. Quay những thước phim về Bác là công việc đầy vinh dự của cuộc đời tôi”, ông Xuân tự hào chia sẻ.